Mục tiêu đến năm 2030: 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch

(PLVN) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
ảnh minh họa

Tài nguyên đặc biệt của quốc gia

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước. Quy hoạch tài nguyên nước phải đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối tài nguyên nước đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hài hoà với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Quy hoạch tài nguyên nước là cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Tài nguyên nước phải được quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh và được tiếp cận theo nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu tổng quát của nhà nước trong thời gian tới đó là: Đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước; điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên từng lưu vực sông, từng vùng, từng địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với khả năng đáp ứng của tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hướng tới quản trị tổng hợp ngành nước trên nền tảng công nghệ số; quản lý, sử dụng tài nguyên nước theo chu trình tuần hoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Nhà nước sẽ kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước

Về mục tiêu cụ thể: Năm 2030, nhà nước sẽ điều hòa, phân phối công bằng, hợp lý giữa các đối tượng sử dụng nước ở các vùng, các địa phương theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95% - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

Cùng với đó, nhà nước sẽ kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước từ hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%. Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó khăn trong tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.

Nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất sử dụng tài nguyên nước, đạt hiệu suất sử dụng nước tương đương các nước tiên tiến trong khu vực; đánh giá đúng giá trị kinh tế của nước trong các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội. Bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% từ các đô thị từ loại V trở lên; cải thiện, phục hồi tối thiểu 20% các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội…

Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ nâng chỉ số an ninh tài nguyên nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trên thế giới. Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra 6 giải pháp gồm: Giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch./.

Đọc thêm