Hoàn thành mục tiêu đề ra
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 của Chính phủ, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện; ước thực hiện cả năm đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu kế hoạch; mô hình tăng trưởng chuyển dịch đúng hướng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, chuyển hướng dựa vào công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Một trong những kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD.
Chính phủ cũng cho biết, 9 tháng vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta tiếp tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN.
Tuy vậy, Chính phủ cũng đánh giá: “Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2017, nền kinh tế nước ta vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”. Đó là, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra chậm; vấn đề giới hạn của nợ công, nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn; công tác dự báo thị trường còn nhiều hạn chế, nhất là thị trường nông sản; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với lao động được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng vẫn còn cao…
Vẫn còn những băn khoăn
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho rằng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước thực hiện sẽ đạt 6,7% - đây vẫn là thách thức lớn. Lý giải điều này, Ủy ban Kinh tế cho biết vẫn còn nhiều nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa. Ngoài ra, thiên tai, bão, lũ lụt vẫn là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp.
Về một số chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực lao động, giải quyết việc làm, y tế và môi trường, nhiều ý kiến của Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại về tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật. Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa được kiềm chế hiệu quả; chưa giải quyết dứt điểm tình trạng chủ sở hữu doanh nghiệp bỏ trốn, chiếm dụng tiền đóng BHXH, tiền lương của người lao động; một số địa phương lo vỡ quỹ bảo hiểm y tế do chi trả vượt kế hoạch... Đối với chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng, có ý kiến cho rằng cần đánh giá đúng thực chất trong bối cảnh xảy ra các vụ việc chặt phá rừng nghiêm trọng ở một số địa phương thời gian vừa qua.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến thành viên UBTVQH thống nhất với những nhận định được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu vẫn băn khoăn lo ngại với con số tăng trưởng 6,7%, nhất là sau khi Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không đạt mức trên.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh đây là thời điểm quan trọng, giữa nhiệm kỳ, các chỉ tiêu phải đánh giá sát, đúng. Ông đề nghị Chính phủ phải báo cáo thêm về các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, tác động của các FTA, đảm bảo nền kinh tế phát triển.