“Mùi chồng” nhức nhối...

(PLO) - Đây là tập tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hiệp viết về đề tài hậu chiến. Một tác phẩm khi đọc xong người ta thấy nhưng nhức trong lòng một nỗi đau thời đại, nỗi buồn quá khứ, và sự lạc loài thân phận, sự tráo trở trắng đen…
“Mùi chồng” tập trung xoay quanh bốn nhân vật: Thu, Sa và vợ chồng đồng chí Hai. Họ đều là bộ đội, đã từng vào sinh ra tử, sống chết bên nhau, chung chiến hào đánh đuổi giặc ngoại xâm, cùng một ý chí và lý tưởng cao cả - giải phóng đất nước, mang lại no ấm cho nhân dân. Cả bốn người may mắn trở về sau cuộc chiến, nhưng thật trớ trêu, cuộc sống thời bình lại ngổn ngang biết bao cám dỗ, toan tính thiệt hơn, rồi cả những bất trắc tai ương không sao lường trước. Và mỗi người, từ thẳm sâu vô thức lại gọi về bản ngã để rồi có những cách ứng xử/thích nghi khác nhau trong đời sống thực tại.
 
Vợ chồng “đồng chí Hai” sống trong nỗi ám ảnh, dằn vặt vì mang di chứng chất độc da cam, không thể lý giải nổi tại sao thứ chất độc trong người ông Thức – chồng bà, lại hủy hoại những đứa con mới lọt lòng của họ.
Thu chìm đắm bởi niềm hạnh phúc đã qua với người mình yêu thương nhất từ trong quân ngũ, và luôn dằn vặt bất an khi Sa, là chồng, là đồng chí dần thành xa lạ. 
Riêng Sa - nhân vật mang đầy mâu thuẫn được tác giả khắc họa khá đậm nét qua nhiều chi tiết hay, đắt giá. Nếu trên trận địa Sa dũng cảm, sẵn sàng hy sinh, tự đào huyệt cho mình, chiến đấu ngoan cường bao nhiêu thì trong thời bình, anh lại để mặc cám dỗ, để mặc đồng tiền và những thớ lợ của đời sống kéo lê số phận đi bấy nhiêu. Cứ thế, Sa đắm chìm trong cái bả vinh hoa mà chà đạp lên cả luân thường đạo lý...
Kết thúc tiểu thuyết, như một hệ quả tất yếu rằng lẽ phải bao giờ cũng chiến thắng, Sa bị bắt. Người gây ra tội ác đã bị luật pháp trừng trị. Nhưng sẽ chẳng bao giờ sự ân hận của Sa có thể giúp cho ông lão vá xe nhắm mắt, chẳng bao giờ Thu có thể tìm lại được hình ảnh người chồng yêu dấu của mình. Mọi tội lỗi đều sẽ để lại những vết sẹo khó lành. Sa chỉ tỉnh ngộ khi cánh cổng nhà lao đóng sập, sự ân hận dù muộn màng cũng khiến người đọc rưng rưng, vừa đáng giận, vừa đáng thương…