Do đã nhiều năm dưới danh nghĩa giúp đỡ những bệnh nhân bệnh tim, ông giúp đỡ họ và đã vận động được nhiều người tình nguyện hiến máu nên quen thuộc nơi đây, đi lại thoải mái như trong nhà mình. Tuy nhiên, một tờ báo phản ảnh ông nhận từ gia đình bệnh nhân số tiền từ 1 đến 2 triệu đồng bỏ túi. Viện Tim đang có động thái kiểm tra và làm rõ hành vi này nhằm ngăn chặn việc lợi dụng những người tình nguyện hiến máu để làm tiền người nhà bệnh nhân. Việc làm dư luận bức xúc là nhiều người biết đến ông như một tấm gương thiện nguyện và “làm phúc”, là “ân nhân”, có “nghĩa cử cao đẹp” mà thực ra lại là một kẻ “hút máu” ư?
Một chuyện khác, xảy ra tại huyện Tri Tôn (An Giang), một Chủ tịch xã bị kỷ luật cảnh cáo vì hành vi sàm sỡ với nữ nhân viên tại công sở. Hành vi này xảy ra khi ông giữ chức Trưởng ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng huyện. Không có gì phải bàn cãi khi mọi việc đã được làm sáng tỏ nhưng cái khiến người ta chú ý là báo chí đưa hình ảnh chụp cái biển treo tại cơ quan ông với nội dung công nhận đây là “cơ quan đạt chuẩn đời sống văn hóa tốt”, thế mà bên trong căn phòng đó lại diễn ra hành vi phản văn hóa. Thật là trớ trêu!
Những vụ va chạm giao thông thường xảy ra ẩu đả sau đó. Mới đây một nữ tài xế mang thai lái xe trên đường phố Hà Nội va chạm với một phụ nữ đi xe đạp điện. Người phụ nữ gọi điện cho hai người đàn ông đến và hành hung nữ tài xế lái xe. Vụ này lại khiến dư luận nhớ lại vụ chiếc xe do một phụ nữ “có chức quyền” va vào xe điện của một học sinh, bà này đã xuống xe hăm dọa em bé đó và cho mọi người xung quanh biết “mình là ai”. Đáng nói là, những hành vi “cậy thế, cậy quyền” và “cậy cả gần nhà” tương tự như thế đã xảy ra không ít lần và vẫn tiếp diễn.
|
Người phụ nữ (áo xanh) bị hành hung sau va chạm giao thông. Ảnh chụp từ clip |
Hiện tại, những vụ bạo hành trong trường học, học sinh “tra tấn” dã man bạn cùng lớp, cùng trường làm dấy lên lo ngại về sự an toàn học đường trong toàn xã hội. Đáng lưu ý là trong những học sinh “đánh hội đồng” bạn mình đó có những em là con trong những gia đình cán bộ, công chức và những “gia đình văn hóa”. Không thể đổ lỗi tất cả cho sự quản lý của nhà trường mà trước hết phải xem lại sự giáo dục gia đình. Bạo lực học đường đã lan đến cả phụ huynh cũng “tham chiến”. Đã có những trường hợp phụ huynh đến tận trường đe dọa, chửi bới, lăng mạ giáo viên mà họ lại là cán bộ nhà nước, thậm chí có chức vụ hoặc công tác trong ngành bảo vệ pháp luật. “Chiếc áo không làm nên ông thầy tu” rất đúng với những trường hợp trên!