Một dự án khai thác đá silic đã hoàn tất các thủ tục pháp lý nhưng đến khâu giải phóng mặt bằng thì gặp khó khăn do một số đối tượng xấu lôi kéo, kích động người dân chống đối chủ trương của Nhà nước…
Mượn cớ “động” làng ?
Ngày 9/2/2010, UBND TP Hải Phòng cấp chứng nhận đầu tư cho dự án khai thác mỏ đá silic do Cty CP thương mại Minh Tân (Cty Minh Tân) làm chủ đầu tư; vị trí khai thác tại núi Điệu Tú (thôn 6, làng Điệu Tú, xã Liên Khê, Thủy Nguyên), diện tích đất thu hồi cho dự án 4,3ha.
Ngày 12/4/2010, TP Hải Phòng cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Cty Minh Tân và đến 23/8/2010, ra thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án. Trước đó, ngày 1/5/2008 Bộ Quốc phòng cũng có công văn 2138/ BQP- TM “thống nhất với đề nghị của UBND TP Hải Phòng cho phép Cty Minh Tân được khai thác silic tại núi Điệu Tú…; khu vực được phép khai thác chỉ thực hiện tại điểm cao 44 phía tây dãy núi Điệu Tú”
Ngày 31/8/2010, UBND huyện Thủy Nguyên quyết định lập tổ công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; đồng thời tổ chức họp dân công khai phương án bồi thường, hỗ trợ để lấy ý kiến.
Tuy nhiên, khi triển khai giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, đối thoại với người dân, Cty đã gặp phải rất nhiều vướng mắc, khó khăn do một số người có đất đai, cây cối hoa màu cũng như không có đất đai, cây cối hoa màu làm đơn từ, kích động cản trở thực hiện dự án kể cả khi Cty đã hỗ trợ thêm 20% đối với đất đai, cây cối hoa màu, 100% đối với mồ mả di chuyển ngoài phương án đã được phê duyệt, không sử dụng đường thi công khai thác mỏ khi đi qua các ngôi mộ của làng, xây nghĩa trang, xây dựng nhà máy nước sạch, tu sửa Chùa làng… Sự phản đối gay gắt của một số người chỉ với một số lí do: Chỉ giới thu hồi đất không đúng mốc giới cho phép khai thác khoáng sản của Bộ Quốc phòng, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, gây “động” làng.
Đã thực hiện đúng pháp luật
Được biết, trước đây cũng đã có một số đối tượng khai thác silic tại núi Điệu Tú theo hình thức “thổ phỉ”, chỉ sau khi Cty Minh Tân được cấp phép khai thác và xây tường bảo vệ mỏ, tình trạng khai thác trái phép tại đây mới chấm dứt. Đáng lưu ý nữa là, 3 người viết đơn phản đối dự án lại đều không có quyền lợi liên quan đến dự án này. Trao đổi với người viết, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên, UBND xã Liên Khê đều cho biết: UBND TP thu hồi đất, cấp phép cho dự án này theo đúng Luật Khoáng sản và Luật Đất đai; bên cạnh đó, còn có sự nhất trí của Bộ Quốc phòng. UBND TP đang tiếp tục chỉ đạo các ban ngành phối hợp với chủ đầu tư triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Về “cớ” chỉ giới thu hồi đất không đúng mốc giới cho phép khai thác khoáng sản của Bộ Quốc phòng, theo Công văn số 2138, Bộ Quốc phòng nói rõ cho phép Cty Minh Tân khai thác đá silic “tại điểm cao 44 phía Tây dãy núi Điệu Tú”, tức là khu vực phía Tây của dãy núi Điệu Tú trong khi đỉnh dãy núi này là điểm cao 92.3. Bộ chỉ huy quân sự TP Hải Phòng mới đây cũng có báo cáo gửi Bộ Tham mưu - Quân khu 3 nêu rõ, “các mốc giới vẫn giữ nguyên hiện trạng theo đúng văn bản 2138…”. Mặt khác, khi TP Hải Phòng cấp giấy phép khai thác cho DN cũng đã thu hẹp lại diện tích so với sự cho phép trong Công văn 2138 của Bộ Quốc phòng. Dự án cũng nằm cách xa ngôi chùa của làng nên có thể khẳng định, kiến nghị của một số hộ dân là không có căn cứ.
Thiết nghĩ, đối với một số đối tượng đi ngược lại lợi ích của làng xã và cộng đồng, lợi dụng sự hạn chế hiểu biết pháp luật của một số người để kích động chống đối lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính quyền TP Hải Phòng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân và DN, tránh để sự việc trở thành tiền lệ xấu trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở địa phương.
PV