Muốn đủ thẩm phán, điều tra viên, phải "hạ chuẩn’?

 “Đội ngũ thẩm phán các cấp hiện nay còn thiếu về số lượng so với yêu cầu xét xử, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ thẩm phán còn yếu. Sự yếu kém của đội ngũ thẩm phán đang là vấn đề bức xúc của dư luận xã hội…” - Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã thừa nhận như vậy tại phiên điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.  
“Đội ngũ thẩm phán các cấp hiện nay còn thiếu về số lượng so với yêu cầu xét xử, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ thẩm phán còn yếu. Sự yếu kém của đội ngũ thẩm phán đang là vấn đề bức xúc của dư luận xã hội…” - Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã thừa nhận như vậy tại phiên điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức.
Toàn cảnh phiên điều trần
Có cơ chế riêng cho đào tạo thẩm phán vùng sâu

Hiện nay, theo báo cáo của TANDTC, đội ngũ cán bộ công chức của ngành Tòa án có gần 13 ngàn người và trên 14 ngàn hội thẩm nhân dân. 100% thẩm phán TAND có trình độ cử nhân luật trở lên. Tuy nhiên, đội ngũ thẩm tra viên, thư ký TA thì chưa đạt chuẩn này.

Tình trạng “thiếu và yếu” trong đội ngũ thẩm phán do nhiều nguyên, trong đó có việc đào tạo ở bậc đại học chưa tốt, công tác đào tạo nguồn thẩm phán chưa đạt yêu cầu.

Trả lời câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Chánh án TANTDTC thừa nhận: có nhiều trường hợp trong ngành chưa từng được bồi dưỡng hoặc bồi dưỡng chưa thường xuyên, do đó ảnh hưởng đến công tác chuyên môn nghiệp vụ

Để khắc phục khó khăn về nguồn cán bộ tuyển dụng, bổ nhiệm thẩm phán ở địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, xa, Chánh án TANDTC đề nghị Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo và báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép ngành Tòa án xây dựng Đề án về đào tạo nguồn cán bộ riêng cho khu vực này, theo hướng ngành được cấp một khoản kinh phí để chủ động tuyển cử và tổ chức việc đào tạo cử nhân luật với học sinh là người địa phương là người dân tộc ít người hoặc thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng. Sau khi tốt nghiệp sẽ phân công về công tác tại Tòa án ở địa phương và những nơi đặc biệt khó khăn về nguồn tuyển dụng.

Đề nghị hạ “chuẩn” bổ nhiệm điều tra viên.

Báo cáo về kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng điều tra viên trong lực lượng công an nhân dân, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an sau khi “điểm” những kết quả nổi bật cũng thừa nhận “số lượng đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn bổ nhiệm điều tra viên lớn, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng, bổ sung nguồn bổ nhiệm điều tra viên, nhất là tăng cường cho cấp huyện”. Đặc biệt, Thứ trưởng Ngọ cho biết: hiện còn 2169 điều tra viên được bổ nhiệm lại năm 2007 chưa đạt chuẩn về trình độ theo quy định.

Tính đến cuối 2010, số lượng điều tra viên trong công an nhân dân là 12.307 người.  trong đó có 5817 điều tra viên sơ cấp. Đến năm 2015 chỉ tính riêng lực lượng điều tra viên ở Công an cấp huyện cần bổ sung 6870 người.
Trước thông tin này, ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đã đặt câu hỏi: Tại sao không đủ tiêu chuẩn vẫn được bổ nhiệm, nếu luật sư đề nghị viện kiếm sát kháng nghị về kết quả điều tra của các điều tra viên này thì tính sao? Giải trình, Thứ trưởng Ngọ nhắc đến nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ còn đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn trình độ để bổ nhiệm chức danh điều tra viên cho phù hợp với cơ cấu bố trí trong lực lượng CAND theo hướng điều tra viên sơ cấp chỉ cần có trình độ cao đẳng nghiệp vụ điều tra đáp ứng yêu cầu bố trí đội ngũ điều tra viên cho Công an cấp huyện (hiện muốn bổ nhiệm điều tra viên phải có trình độ đại học - PV)

Tuy nhiên, đề nghị này theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là không thỏa đáng. “Điều tra viên là chức danh quan trọng, là người bắt đầu của giai đoạn tố tụng, không thể vì thiếu mà đề nghị hạ về tiêu chuẩn trình độ. Như vậy là không đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp” - Phó chủ tịch nói.

Huy Hoàng

Đọc thêm