Phải triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2024 phải là năm bứt phá và tăng tốc phát triển nhưng để thực hiện được mục tiêu này, cần tập trung triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế.
Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng nay, 26/10, Quốc hội thảo luận tại Tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết...

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) và nhiều Đại biểu khác đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao; nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch Covid-19.

Điều đó khẳng định và cho thấy các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2021-2026.

Các Đại biểu cũng đánh giá, việc thực hiện cả 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực đều có chuyển biến hết sức rõ rệt.

Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) khẳng định, trong 9 tháng đầu năm nay, GDP nước ta tăng trưởng 6,82%, là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, xung đột địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Như So cũng cho rằng, phải nhìn nhận thẳng thắn, phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các lĩnh vực khai khoáng và xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đóng góp chiếm 72,1% giá trị xuất khẩu.

Khai khoáng dựa vào tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, trong khi các doanh nghiệp FDI, dù đóng góp lớn vào xuất khẩu, lại không giữ lại nhiều giá trị cho nền kinh tế trong nước, do lợi nhuận chủ yếu chảy ngược về các công ty mẹ ở nước ngoài.

Theo Đại biểu, hệ quả lâu dài của việc này là sẽ khiến chúng ta rơi vào bẫy tăng trưởng ngắn hạn, thiếu bền vững, nguồn tài nguyên cạn kiệt hoặc thị trường quốc tế thay đổi, nền kinh tế có thể mất động lực phát triển, gặp khó khăn trong việc tự cường và duy trì đà tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta muốn đạt được sự phát triển bền vững, phải tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp nội địa.

“Họ không chỉ tạo ra công ăn việc làm mà còn giúp nâng cao khả năng tự chủ, giảm sự phụ thuộc, bảo vệ nền kinh tế trước những biến động bên ngoài”, vị Đại biểu nhấn mạnh và cho rằng, việc thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa sẽ giúp Việt Nam phát triển theo chiều sâu, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững và ổn định hơn.

Để giúp kinh tế tư nhân phát triển bền vững, là động lực tăng trưởng cho đất nước, thực hiện được mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của khu vực tư nhân lên 50-55% GDP với 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, cần sớm nhận diện bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn.

Trên tinh thần đó, Đại biểu đưa ra 5 đề xuất. Đầu tiên là triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa, bao hàm giải pháp giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Theo Đại biểu, Giải Nobel kinh tế năm 2024 là dành cho vấn đề thể chế. Đây là một liên hệ ý nghĩa, bài học quý giá cho phát triển kinh tế của Việt Nam nói riêng, của các nước đang phát triển nói chung nhằm thúc đẩy tính minh bạch, quản trị tốt và sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội vào đời sống kinh tế, chính trị, bảo vệ quyền kinh doanh, quyền tài sản và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Đại biểu chỉ rõ, dù theo một số xếp hạng, Việt Nam hiện dẫn đầu về chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh và trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 2 thập kỷ qua nhưng nghịch lý là chỉ trong 9 tháng đầu năm số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lại tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 1 tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có đến 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. “Rào cản thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức vẫn như một “vòng kim cô” kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp”, Đại biểu nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn về vấn đề này, ông nêu rõ, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận, trong khi tại Singapore, con số này chỉ là 5-10%.

Dẫn số liệu của Ngân hàng thế giới, Đại biểu cho biết, 20,4% doanh nghiệp dành trên 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật. Thủ tục đầu tư dự án rất phức tạp, phải qua khoảng 30-40 con dấu với thời gian xử lý trung bình 2-3 năm do bất cứ thủ tục nào cũng phải hỏi ý kiến các sở, ngành liên quan bằng văn bản.

“Dẫn chứng nêu trên chỉ là vài lát cắt trong thực tiễn về những bất cập trong quy định, hệ thống quản lý gây ra sự lãng phí lớn về tài sản của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, Đại biểu nói.

Trên thực tế, còn có nhiều vướng mắc pháp lý trong quy hoạch, sử dụng đất; về cơ chế tài chính và ngân sách; về chính sách thu hút đầu tư và doanh nghiệp; về cơ sở hạ tầng, giao thông; về phát triển nông nghiệp và nông thôn…, thậm chí gây ra nhiều lãng phí vô hình không thể đong đếm hết được, nhất là lãng phí cơ hội, lãng phí niềm tin.

“Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, lãng phí là một trong những vấn đề nhức nhối và nguy hiểm không kém tham nhũng, nếu không xử lý kịp thời sẽ “ăn mòn nền tảng phát triển” của quốc gia”, Đại biểu nói và cho rằng, cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập “luật chơi” và hệ thống thực thi, giám sát tuân thủ, tăng cường tính minh bạch và quản trị; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan và đất đai; triển khai hiệu quả các giải pháp số hóa, áp dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hành chính để giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Đại biểu, mỗi quy trình cần được tinh gọn, minh bạch, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và tài nguyên; đồng thời cũng là cách để nhà nước tiết kiệm ngân sách và tối ưu hóa quản trị, một đồng chi tiêu đúng chỗ là một đồng đầu tư vào tương lai.

Cùng với đó, Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn.

Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ, tạo động lực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, triển khai quyết liệt và đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trong phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Trương Quốc Huy (Đoàn Hà Nam) cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, cắt giảm giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc thêm