Nhận rõ những động lực đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới

(PLVN) - Từ những thành tựu to lớn đã đạt được thời gian qua, việc xác định các mục tiêu và đặc biệt là chỉ ra được những động lực phát triển mới sẽ là cơ sở để đưa đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới, phát triển tới tầm cao mới.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Xác định rõ những thuận lợi, thách thức

Trong các phát biểu và bài viết quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nói đến thông điệp “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc Việt Nam.

Phân tích thông điệp của Tổng Bí thư, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, trước hết, cần nhận thức rõ khái niệm kỷ nguyên là gì. Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Phúc chỉ rõ, kỷ nguyên là một khái niệm thuộc về khoa học lịch sử, khoa học xã hội, để chỉ một thời kỳ hay một thời đại nhất định với những đặc điểm, đặc trưng, nội dung nổi bật sẽ chi phối sự phát triển của một dân tộc, của một quốc gia, thậm chí chi phối cả thế giới.

Ví dụ, cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên gắn liền độc lập dân tộc với CNXH. Kỷ nguyên đó còn được diễn đạt là thời đại mới của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh. Hay như hiện nay, người ta nói cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra kỷ nguyên mới của sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, của công nghệ, chi phối đời sống của nhân loại.

Cùng với đó, cần xác định được các mục tiêu cần đạt được. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại, trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta xác định Đại hội XIV là Đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Vươn mình là để đạt được các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu. Đó là, đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho hay.

Suốt quá trình lãnh đạo cách mạng từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã nhiều lần bằng trí tuệ và sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị đã chủ động phân tích tình hình và dự báo chiến lược, tạo thời cơ, nắm vững vận hội mới, đồng thời nhận rõ những nguy cơ, thách thức mới nảy sinh, quyết định một cách sáng suốt, kịp thời, tạo nên bước phát triển đặc biệt của lịch sử đất nước và dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, để có thể “vươn mình” như mục tiêu đề ra, chúng ta cần xác định rõ những vận hội và cả những khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, có thể thấy rằng, hiện nay, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.

“Chúng ta đã đạt được nhiều thành công mà như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tăng trưởng kinh tế của đất nước đạt khá, Việt Nam hiện là nền kinh tế khá năng động của khu vực và thế giới. Chúng ta cũng có chế độ chính trị ổn định và phát huy tính ưu việt với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự lãnh đạo, cầm quyền đúng đắn, vững vàng của Đảng, sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước, quốc phòng, an ninh vững mạnh, đối ngoại rộng mở tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển”, ông Nguyễn Trọng Phúc chỉ rõ.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao ( Ảnh minh họa)

Một góc thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao ( Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận những thách thức phải đối mặt. Đó là nền kinh tế phát triển nhưng chưa bền vững; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năm 2023 mới đạt hơn 430 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người cũng còn thấp, dự báo đạt khoảng 4.500 USD vào cuối năm 2024. Trong khi đó, muốn đạt tới mức thu nhập trung bình cao là phải trên 10.000 USD vào năm 2030 còn thu nhập cao vào năm 2045 là phải đạt 50.000 USD. Đó là những chỉ tiêu ở thời điểm hiện nay, đến những năm đó, thu nhập thế giới có thể còn tăng cao hơn, đặt ra những thách thức trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu này. “Phải nhìn nhận nghiêm túc để “vươn mình” đáp ứng được mục tiêu, nếu không thì đó chỉ là mong muốn”, ông Vũ Trọng Phúc nhấn mạnh.

Thúc đẩy các động lực phát triển trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, chúng ta đã xác định kỷ nguyên mới thì cần nhận rõ những động lực mới đạt được mục tiêu đề ra. Động lực đó là lực lượng sản xuất hiện đại tạo ra năng suất lao động cao; là kinh tế tri thức, ứng dụng cao nhất thành quả khoa học, công nghệ; là nguồn nhân lực chất lượng cao; là nền văn hóa mới - vừa là nền tảng vừa là động lực của sự phát triển; là tầm nhìn chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền và sức sáng tạo của Nhân dân; là lợi ích của quốc gia, dân tộc và tự tin, tự hào, tự tôn dân tộc.

Phân tích, ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết, để có lực lượng sản xuất hiện đại tạo ra năng suất lao động cao, trong bài viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. “Muốn vươn mình, phát triển mạnh thì phải có lực lượng sản xuất mạnh. Bài viết của Tổng Bí thư cho thấy rõ sức mạnh của chuyển đổi số, mà nếu không làm tốt thì chúng ta sẽ không có được lực lượng sản xuất mạnh, không có quan hệ sản xuất phù hợp, đất nước không phát triển được. Lênin cũng từng xác định, xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Chuyển đổi số được xác định là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới ( Ảnh minh họa)

Chuyển đổi số được xác định là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới ( Ảnh minh họa)

Vẫn theo ông Nguyễn Trọng Phúc, Đại hội XIII đã nêu rõ 3 đột phá về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phải xây dựng được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao thì chúng ta mới vận dụng được thành quả của cách mạng công nghệ 4.0, vận dụng được công nghệ thông tin, vận trí tuệ nhân tạo (AI), mới có thể chuyển đổi số.

Về lãnh đạo quản lý, vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”. “Đảng phải lãnh đạo tốt hơn nữa thì mới tạo ra sự chuyển biến mạnh. Quản lý của Nhà nước mà không rốt ráo thì hiệu quả kém. Bài học vừa qua cho thấy, nếu quản lý tốt thì sẽ thúc đẩy phát triển, nơi nào cũng thế, ngành nào cũng thế, địa phương nào cũng thế và ngược lại”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chỉ rõ.

Cũng liên quan đến câu chuyện quản lý, ông Nguyễn Trọng Phúc nhắc lại, vừa qua, Tổng Bí thư cũng đã có bài viết với tiêu đề “Chống lãng phí”. Trong bài viết, Tổng Bí thư nêu rõ, để đưa đất nước vững bước đi lên CNXH, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Khẳng định tính đúng đắn của những chỉ đạo được Tổng Bí thư đưa ra, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, lãng phí cản trở ghê gớm sự phát triển của đất nước. “Các dự án, các công trình có hiệu quả thấp gây lãng phí không chỉ tài sản, tiền bạc mà còn lãng phí cơ hội, thời gian của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, làm mất cơ hội phát triển. Hay như vấn đề lãng phí nguồn nhân lực, chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng mà nếu không đào tạo được nguồn nhân lực cao, đáp ứng được yêu cầu thì sẽ không vươn mình được… Đây đều là những vấn đề mà chúng ta cần tập trung giải quyết”, ông Phúc nói.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, muốn “vươn mình” thì phải xác định được những nội dung, những vấn đề rất cụ thể để thực hiện. Việc xác định kỷ nguyên mới đồng thời với làm rõ đặc điểm, đặc trưng và nội dung căn bản sẽ là nền tảng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quán triệt, thực hiện thành công, đưa dân tộc phát triển tới tầm cao mới.

Đọc thêm