Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP.
Gương sáng Pháp luật

Nữ doanh nhân cùng ước mơ phụng sự 'nông nghiệp xanh'

Gắn bó với nhựa từ nhỏ, khởi nghiệp cũng với ngành sản xuất kinh doanh nhựa nhưng Nguyễn Thị Hải Bình lại đang đặt niềm tin và hy vọng của mình vào nghề nuôi biển với khát khao giữ được màu xanh cho biển và được làm nông nghiệp một cách bền vững nhất…

Ngày 7/9/2024, cơn bão số 3 mang tên Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, như một cơn cuồng phong, cuốn theo tất cả hệ thống nuôi trồng thủy sản của người dân đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Những ngày hứng siêu bão ấy, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn STP và anh em trong công ty đang trong những ngày “chạy đua” Vòng chung kết Giải thưởng Sáng kiến ESG (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức).

“Sốt ruột” là tâm lý không chỉ của STP mà còn của tất cả những thành viên cùng tham dự vòng chung kết bởi toàn bộ 15 ha trang trại trên biển đã bị “bốc” đi trong tích tắc… “Đó là lúc mà tôi thực sự thấy sợ biển” - nữ doanh nhân Hải Bình tâm sự, bởi không ai có thể ngờ, một hệ thống trang trại được đầu tư kỹ càng với những vật liệu thân thiện với môi trường cũng đã phải “đầu hàng” trước siêu bão.

Trang trại trên biển được đầu tư kỹ càng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường

Trang trại trên biển được đầu tư kỹ càng bằng các vật liệu thân thiện với môi trường

Nhưng sau 2 ngày, điều kỳ diệu đã đến… “Khi Quảng Ninh được cấp điện trở lại, chúng tôi đã bật thiết bị dò tìm và đã định vị được vị trí các thiết bị trang trại của mình rồi bắt đầu lên kế hoạch lai dắt về” - bà Bình kể.

Và hiện nay, những vật liệu làm trang trại của STP đang được gia cố, sữa chữa để có thể đưa trở lại biển, tiếp tục làm nhiệm vụ “nuôi biển”. Điều này đồng nghĩa với việc biển sẽ bớt đi được một chút rác thải - vốn là những phương tiện sản xuất của bà con, không chỉ bị đẩy ra biển sau cơn bão số 3 vừa qua mà còn suốt cả quá trình nuôi trồng thủy sản hàng chục năm qua do tập quán đã ăn sâu trong tiềm thức người dân.

Nuôi dưỡng khát khao giữ màu xanh cho biển…

Sinh năm 1981, vốn là một người con của vùng biển lại là F1 của thế hệ lãnh đạo nhựa Tiền Phong đời đầu, Nguyễn Thị Hải Bình đã làm quen với nhựa từ nhỏ và đã biết được những thai nghén về việc “tái chế được nhựa” từ người bố của mình. Nhờ “gắn bó” với nhựa nên Hải Bình đã nắm được loại vật liệu nhựa nào thân thiện với môi trường. Cùng với đó, cuối những năm 1990, một đoàn chuyên gia của Na Uy sang, đánh giá Việt Nam có một triển vọng về nuôi biển cực độc đáo và họ khuyến cáo nên dùng sản phẩm nhựa HDPE thân thiện với môi trường để giữ được biển xanh, tạo môi trường tốt cho động, thực vật sinh sống dưới biển.

Hải Bình khi ấy còn nhỏ nhưng hiểu được những trăn trở từ cha mẹ và câu chuyện của đoàn chuyên gia đã hun đúc trong lòng cô bé một khát khao mong muốn, dù làm gì cũng phải giữ được màu xanh cho biển.

Khởi nghiệp với nghề cha mẹ để lại, Hải Bình quyết định sản xuất những ống nhựa HDPE thân thiện với môi trường từ những hạt nhựa được nhập khẩu từ Ả rập Xê út. Tuy nhiên, chi phí cho các loại vật liệu này khá đắt nên cơ hội để sử dụng rộng rãi không nhiều.

Thế là Hải Bình quyết định “vào cuộc” với nghề nuôi biển, bởi bà cho rằng “mình phải làm thì bà con mới tin”. Năm 2016, trang trại quy mô trên biển đầu tiên xuất hiện ở đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh).

Khởi nghiệp cùng với nhựa thân thiện môi trường, nữ doanh nhân Hải Bình lại quyết định gắn bó với biển để lan tỏa loại vật liệu này

Khởi nghiệp cùng với nhựa thân thiện môi trường, nữ doanh nhân Hải Bình lại quyết định gắn bó với biển để lan tỏa loại vật liệu này

Nữ doanh nhân Hải Bình chia sẻ, đầu tư một trang trại trên biển cũng giống như xây một ngôi nhà, cần phải có đủ các yếu tố móng, tường nhà… Trên biển đó là các hệ neo, hệ lồng và hệ bè. Ngoài ra, còn một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo có thể luôn giữ an toàn cho ngôi nhà trên biển, đó là hệ thống AI và các camera giám sát. Chính nhờ các thiết bị này mà STP “thu hồi” lại được toàn bộ trang trại đã bị cuốn đi theo cơn bão số 3. “Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phải kiểm soát được các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện trang trại. Bởi nghề nuôi biển thực sự rất rủi ro”.

Bà Bình chia sẻ thêm, có AI và camera giám sát sẽ đồng nghĩa với việc có thêm nhiều “mắt nhìn”, quan sát kỹ càng được toàn bộ vật nuôi trồng dưới biển, thậm chí có thể biết được cảnh báo về các đợt sóng. “Chúng tôi có thể biết được tình trạng của một con cá, một con hàu để sớm có phản ứng cần thiết trước khi vật nuôi yếu đó có thể gây bệnh hàng loạt. Ví dụ nhìn thấy cá nổi có nghĩa là báo động lồng cá có thể bị nguy hiểm nếu không xử lý sớm. Hoặc có thể cảnh báo cho chúng tôi về những con sóng bất thường” - bà Bình chia sẻ.

Cũng chính vì những ưu việt về các sản phẩm này mà bà Hải Bình mong muốn ngư dân có thể cùng áp dụng cho công việc nuôi biển của gia đình mình. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên nữ TGĐ của STP đã quyết định đồng hành cùng bà con, để có thể thúc đẩy bà con vừa làm giàu vừa giữ gìn màu xanh cho biển cả. Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng khi các sản phẩm mà STP đang sử dụng chưa có tiêu chuẩn Việt Nam, do đó không thể tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và STP đã phải chấp nhận cho bà con nợ, rồi cấp giống, hướng dẫn bà con nuôi, trồng…

Rất nhiều những câu chuyện khó khăn, rủi ro mà STP gặp phải trong quá trình đồng hành với bà con. Bà Hải Bình chia sẻ: “Câu chuyện làm ăn với người nông dân không mới, nhiều khi chúng ta phải chấp nhận và tìm kiếm những cách thức hợp tác ít rủi ro hơn”. Chưa kể, mục đích lớn nhất mà bà Hải Bình hướng đến là cộng đồng làm ăn trên biển, sống từ biển, bám biển… phải là những người đầu tiên giữ môi trường cho biển. Nếu chỉ có một mình STP đi, con đường gìn giữ môi trường biển không thể thành công.

Bà tâm sự: “Nếu không có thặng dư kinh tế từ các mảng, lĩnh vực khác của công ty thì chúng tôi không thể kiên trì với nghề nuôi biển đến ngày hôm nay. Nhưng dù khó khăn, chúng tôi cũng sẽ quyết tâm bám biển, giữ biển, giữ màu xanh cho biển vì quả thực, nguồn lợi mang lại từ biển cũng sẽ rất lớn nếu chúng ta cùng quyết tâm đầu tư hạ tầng và làm thành chuỗi liên kết”. Hiện mô hình trang trại nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm của STP đã thu hút được nhiều hợp tác xã (HTX) cùng tham gia.

Trang trại trên biển kết hợp du lịch trải nghiệm đang là mô hình mẫu trong nuôi trồng thủy sản

Trang trại trên biển kết hợp du lịch trải nghiệm đang là mô hình mẫu trong nuôi trồng thủy sản

Theo nữ doanh nhân Hải Bình, việc liên kết với HTX sẽ giúp STP hình thành một hệ sinh thái bền vững, giảm kháng sinh, giảm chất gây hại cho nước biển, từ đó sẽ tạo ra những sản phẩm thủy, hải sản chất lượng. Và khi người nông dân nhìn thấy giá trị cao từ biển, họ sẽ chung tay để giữ gìn môi trường, cùng làm nông nghiệp xanh.

Tìm mọi cách “thúc” ngư dân giữ môi trường biển

Trong câu chuyện với PLVN, bà Hải Bình không ngần ngại chia sẻ, bà ý thức được hạ tầng nuôi biển của STP có chi phí cao, bà con còn nhiều băn khoăn nên bà đã nghiên cứu tích hợp “nhiều trong một” trong một hạ tầng lồng bè, để bà con tối ưu nhất chi phí đầu tư. Theo đó, bà đưa ra phương thức nuôi 3 tầng trong đó đều là các sản phẩm mang giá trị dinh dưỡng cao và có tiềm năng kinh tế lớn với tảo ở lớp dưới đáy, rong sụn ở lớp giữa và nuôi cá ở tầng trên cùng. Đặc biệt phải nhắc đến mô hình trồng rong sụn mà STP đang thử nghiệm ở khu vực phía Bắc và cũng đã được một số tổ chức quốc tế đã “đánh tiếng” muốn đồng hành cũng như nhiều đơn vị muốn thu mua đầu ra.

Rong biển vốn là “nguyên liệu xanh”, được coi là một cổ phiếu xanh, một chứng chỉ xanh. Một nghiên cứu cho thấy 1 ha rong đã được chứng minh có thể hấp thụ carbon gấp 5 lần một ha rừng. Đây cũng là lý do thúc đẩy nữ doanh nhân Hải Bình quyết tâm thử nghiệm trồng rong biển và chế biến các sản phẩm từ rong biển. Và bà hy vọng, cũng giống như trên mặt đất, người dân được giao đất trồng rừng thì dưới biển, người dân cũng sẽ được giao mặt nước, trồng rong, để Việt Nam có thể có thêm tín chỉ carbon, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt xuất khẩu.

Khởi đầu của STP là một đơn vị kinh doanh trong ngành nhựa. Dù đã lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường nhưng đây vẫn là một trong những lĩnh vực bị đánh thuế môi trường rất cao nếu không tăng được tỷ lệ tái sinh trong sản phẩm. Đó vừa là áp lực cũng là lý do thôi thúc nữ TGĐ của STP không nguôi những ý tưởng có thể tái chế được nhựa để những gì bị thải ra có thể tái sử dụng hoàn toàn.

Nếu năm 2011 là lựa chọn khởi nghiệp với loại nhựa HDPE - vốn còn xa lạ với Việt Nam nhưng đã rất thông dụng trên thế giới; Năm 2016 lựa chọn nhựa HDPE làm hạ tầng nuôi trồng thủy sản bởi loại nhựa này có thể tái sử dụng đến 11 lần thì năm 2022 là quyết định xây dựng một dự án mua lại toàn bộ lưới và lồng cũ của bà con để tái chế thành hạt nhựa, kết hợp với vỏ con hàu, vỏ con trai biển cùng một vài thành phần khác tạo ra rạn san hô để đưa trở lại biển. Thậm chí chai lọ, rác biển mà bà con có thể thu gom mang về trong quá trình đi biển cũng sẽ được STP mua để tạo thêm cho chúng những vòng đời mới…

“Rác thải trên biển ư? Chính nó có thể nuôi nó. Ở đất nước Nhật Bản, rạn được thả khắp nơi, trên đó cấy san hô để nuôi thêm cá. Tôi đã học được những điều đó và mong muốn được áp dụng ở Việt Nam” - bà Hải Bình chia sẻ.

Hiện STP đang kết hợp cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thử nghiệm thả rạn san hô nhân tạo tại Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh và dự kiến sẽ thử nghiệm thả rạn san hô ở 27 tỉnh. Dự án này cũng được một tổ chức phi chính phủ của Đức tài trợ để STP kết hợp với một số Viện nghiên cứu của các trường đại học thực hiện thu gom rác thải biển để sản xuất ra rạn san hô.

Con đường mà nữ doanh nhân Hải Bình và STP đi chắc chắc sẽ còn rất gian nan nhưng với định hướng phụng sự nông nghiệp xanh và khát khao mạnh mẽ, nữ tổng giám đốc của STP khẳng định: “sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng để vừa tạo ra giá trị kinh tế cao cho bà con vùng biển, vừa góp phần giữ được màu xanh cho biển”…

Đọc thêm