Mường La nơi trải nghiệm du lịch hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều tiểu vùng khí hậu đặc sắc, văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc còn được lưu giữ… du lịch Mường La, tỉnh Sơn La đã và đang là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.
Lễ hội mừng cơm mới ở Mường La.
Lễ hội mừng cơm mới ở Mường La.

Cảnh sắc thiên nhiên đẹp

Chúng tôi đến Mường La trong chuyến đi trải nghiệm qua miền Tây Bắc. Trải qua chặng đường dài gần 400km từ Hà Nội đi qua những cung đường cua ngoằn ngoèo, núi non trùng điệp với những cánh rừng xanh ngút ngàn. Hai bên đường hoa mận, hoa mơ bắt đầu bung nở trắng xoá cả một vùng, điểm tô làm cho bức tranh núi rừng Tây Bắc thêm rực rỡ. Mải miết ngắm cảnh khiến quãng đường dài dằng dặc hàng trăm cây số ấy như ngắn lại.

Từ thành phố Sơn La chưa đầy 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại công trình thủy điện huyền thoại - nhà máy thủy điện Sơn La, một trong những công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Đây là điểm đầu tiên trong hành trình du lịch trải nghiệm những danh lam thắng cảnh ở huyện Mường La của chúng tôi.

Nhìn từ xa, nhà máy thủy điện như một bức tường cao sừng sững chắn ngang dòng sông Đà, kề bên những dãy núi trập trùng, cùng những cánh rừng xanh biếc như một bức tranh “sơn thủy” giữa đại ngàn Tây Bắc.

Du lịch trên lòng hồ sông Đà tại huyện Mường La.

Du lịch trên lòng hồ sông Đà tại huyện Mường La.

Trong tiết trời trong xanh, những đám mây trắng chầm chậm trôi trên bầu trời cùng những ngọn núi in bóng xuống mặt nước lung linh, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Từ lòng hồ phóng tầm mắt ra xa, có thể ngắm những hòn đảo nổi, những dãy núi đá vôi sừng sững dọc bờ sông Đà. Có chỗ thì quây quần, tụ lại xúm xít chen chân, có chỗ lại tách rời riêng biệt tạo những nét đẹp cực kỳ hấp dẫn, đặc sắc, du khách tới đây có thể chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc thiên nhiên tuyệt đẹp...

Sau hơn 30 phút di chuyển, chúng tôi ghé vào khu vực nuôi cá tầm của Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La. Đây không chỉ là điểm check-in của các du khách khi đến trải nghiệm lòng hồ mà còn là khu vực nuôi gần 90.000 con cá tầm với trọng lượng từ 1 - 60 kg/con. Tiếp đó, chúng tôi là điểm du lịch Di tích lịch sử Pom Đồn, hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Đán Lanh (xã Mường Chùm)... những cảnh quan thiên nhiên, gắn với những câu chuyện truyền thuyết, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm.

Từ lâu, cùng với tiềm năng du lịch thủy điện, du thuyền trên lòng hồ sông Đà, Mường La còn là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn từ các di tích lịch sử đồn Pom Pát (thị trấn Ít Ong), di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong), hang Hua Bó (Mường Bú)...

Suối khoáng nóng ở Ngọc Chiến.

Suối khoáng nóng ở Ngọc Chiến.

Trên đường trở về chúng tôi ghé thăm khu di tích khảo cổ học hang Co Noong (thị trấn Ít Ong).

Tuy mặt trời đã đứng bóng, bụng bắt đầu cồn cào đói, người cũng thấm mệt nhưng trải nghiệm những điều thú vị tại đây mọi thứ như tan biến.

Hang nằm ở hướng Tây Bắc huyện Mường La, trên dãy núi trùng điệp nhấp nhô uốn mình tạo thành 7 khúc, cửa chính của hang quay về hướng Đông Tây nhìn xuống Sông Đà và có một cửa nhỏ quay về phía Tây Bắc. Từ bờ mặt sông đi lên dốc thoải, qua một khu rừng già khoảng 200m là tới cửa hang, đứng tại cửa hang sẽ quan sát được một vùng non nước rộng lớn và hùng vĩ. Nhìn phía xa là một ngọn núi hình con rồng uốn mình theo dòng sông Đà, dưới chân núi là dòng nước xanh biếc.

Buổi chiều, từ trung tâm huyện Mường La chúng tôi ngược núi hơn 40 cây số đến xã Ngọc Chiến, một điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến Mường La. Đến đây chúng tôi thực sự đã bị hấp dẫn, như được đưa ghé thăm miền quê cổ tích và hòa mình vào bản tình ca của núi rừng. Những ngôi nhà sàn cổ mái lợp gỗ Pơ Mu hàng trăm tuổi rêu phong, hay ngắm nhìn cây sa mu cổ thụ nghìn năm tuổi và ngâm mình trong dòng suối khoáng nóng đang toả khói nghi ngút.

Tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống gỗ pơ mu hàng, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo trên cánh đồng Mường Chiến, cùng nhau theo vòng quay của điệu xòe, ngây ngất trong men rượu sơn tra thơm ngọt và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái…

Đưa ngành du lịch bứt phá

Nhờ cảnh quan đẹp, thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành… Mường La đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Thời gian qua, để du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, Mường La đang đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Trong đó, việc khai thác tiềm năng du lịch được huyện xác định rõ, phát triển du lịch phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Những ngôi nhà sàn cổ gỗ Pơ Mu sở Ngọc Chiến.

Những ngôi nhà sàn cổ gỗ Pơ Mu sở Ngọc Chiến.

Được biết, Mường La có 3.900 ha mặt hồ thủy điện Sơn La, thuộc 5 xã Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Nậm Giôn, thị trấn Ít Ong. Cùng với việc xây dựng hơn 20 nhà máy thủy điện, đã tạo ra những thắng cảnh hồ đẹp, hấp dẫn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ. Trong đó, có điểm “Du lịch thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á”; Nhà máy thủy điện Huổi Quảng là nhà máy thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế... Vì vậy, khai thác tuyến du lịch lòng hồ là một trong những định hướng chiến lược phát triển kinh tế của huyện.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết: Huyện Mường La nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Sơn La- Mường La- Mai Sơn. Giao thông cũng khá thuận lợi, nối Mường La với các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và là một phần của tour Thủ đô Hà Nội - Sơn La - Mường La - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai. Thời gian qua, huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng các khu du lịch, bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá và phát triển các lễ hội truyền thống, đầu tư phát triển hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch. Đặc biệt khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, cảnh quan, văn hóa dân tộc để phát triển nhanh du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Cây sa mu nghìn năm tuổi ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Cây sa mu nghìn năm tuổi ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Theo thông tin của Chủ tịch UBND huyện, thời gian qua huyện đã ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa; đầu tư cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh nhằm hỗ trợ du lịch. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển. Nguồn lực thực hiện đề án sẽ huy động ngân sách, vốn từ các doanh nghiệp và vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ dân.

Tạm biệt Mường La sau hành trình trải nghiệm đã cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc với niềm tin mãnh liệt. Tin rằng, với tiềm năng lợi thế của mình, Mường La sẽ sớm bứt phá trong công cuộc xây dựng và phát triển, không còn những bản nghèo, lạc hậu… Đặc biệt với thế mạnh vốn có của mảnh đất cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, con người thân thiện, mến khách, nơi đây sẽ thực sự là điểm đến hấp dẫn trong hành trình trải nghiệm qua miền Tây Bắc của du khách.

Đọc thêm