Mường Nhé nỗ lực giảm nghèo

(PLVN) - Nhận thức rõ nhiệm vụ của công tác giảm nghèo là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội…, những năm qua, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đã triển khai nhiều đồng bộ các giải pháp xóa đói giảm nghèo.
Đời sống nhân dân các dân tộc huyện Mường Nhé ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Mường Nhé là huyện vùng cao biên giới, một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện công tác giảm nghèo.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, trên cơ sở xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của huyện, huyện Mường Nhé chú trọng công tác rà soát, nắm chắc thực trạng nghèo ở từng địa bàn xã, bản để xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu, kiến nghị để tỉnh đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về giảm nghèo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Người dân huyện biên giới Mường Nhé phát triển chăn nuôi gia súc.

Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân ý thức vươn lên giảm nghèo, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, các hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của nhà nước, coi đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội để người nghèo vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, huyện còn ban hành, tổ chức triển khai các Nghị quyết chuyên đề, chương trình kế hoạch bám sát các nghị quyết đại hội Đảng các cấp và thực tế tiềm năng của huyện. Qua đó, tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo thôn, bản trên địa bàn huyện. Đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển nông thôn của huyện.

Hơn nữa, các chương trình, dự án khi triển khai đã từng bước phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội để người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có thu nhập ổn định. Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Ý thức giảm nghèo của người dân ngày càng được nâng lên.

Nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả các chính sách giảm nghèo, điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 47,30%. Cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm, các công trình phúc lợi trường học, trạm y tế, điện, nước, thủy lợi, nhà văn hóa... được đầu tư đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Đến nay, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông đạt trên 81%; 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Có thể nói, công tác giảm nghèo đạt được kết quả rõ rệt, nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đọc thêm