Người Brazil ủng hộ cựu nhân viên CIA Edward Snowden. |
Trong danh sách những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2013 do giới truyền thông thế giới bình chọn, danh tính của cựu nhân viên CIA Edward Snowden luôn được nhắc tới.
Ai là nạn nhân tiếp theo?
Bình luận về những cáo buộc Mỹ đã do thám các nhà lãnh đạo Israel, ngày 23/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố hoạt động như vậy là không thể chấp nhận và đây là lần đầu tiên, Tel Aviv tỏ thái độ bức xúc với Washington kể từ khi xuất hiện thông tin Mỹ theo dõi đồng minh thân cận tại Trung Đông. Được biết, tình báo Mỹ đã thuê một căn hộ đối diện nơi ở của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak để theo dõi ông trong thời gian 2008-2009, đồng thời do thám thông tin liên lạc email của cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert.
Thủ tướng Đức Angela Merkel |
Trước đó, giới truyền thông cho biết, điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel là mục tiêu do thám của ít nhất 5 quốc gia, nhưng mới chỉ có Washington và London thừa nhận đã theo dõi điện thoại của nữ Thủ tướng Đức qua các thiết bị phát sóng cài đặt trên nóc Đại sứ quán của họ tại Berlin. Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua đã lên án Mỹ liệt Caracas vào danh sách ưu tiên do thám, đồng thời bí mật theo dõi email cá nhân 10 quan chức kinh tế của nước này. Mexico tiếp tục yêu cầu Mỹ (lần thứ ba) phải điều tra, làm rõ trách nhiệm trong việc do thám giới chức cấp cao nước này. Bởi NSA đã nghe lén điện thoại di động và kiểm soát hơn 85.000 tin nhắn của cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon và Tổng thống Pena Nieto cùng 9 trợ lý của ông. NSA cũng từng nghe lén người đứng đầu Nhà thờ Thiên Chúa giáo và trong số 46 triệu cuộc nói chuyện điện thoại bị nghe lén (từ 10/12/2012 đến 8/1/2013), có các cuộc điện thoại của Vatican.
Ngày 18/12, 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết (do Đức và Brazil soạn thảo) kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động của hoạt động này đối với việc bảo vệ các quyền con người. Trước đó (16/12), Thẩm phán LB Mỹ khu vực thủ đô Washington Richard Leon cũng tuyên bố chương trình bí mật của NSA là vi hiến, xâm phạm điều luật về quyền riêng tư của cá nhân.
Giới truyền thông từng đăng tải danh sách hơn 1.000 mục tiêu trong chương trình giám sát của NSA ở nước ngoài. Tờ Washington Post cho biết, trung bình mỗi ngày NSA thu thập khoảng 5 tỷ dữ liệu nhờ theo dõi vị trí của ít nhất hàng trăm triệu chiếc điện thoại di động trên khắp thế giới. NSA cũng đã thâm nhập vào khoảng 50.000 máy tính trên khắp thế giới để giám sát thông tin. Bởi NSA có một đơn vị đặc biệt với hơn 1.000 tin tặc có khả năng tấn công mạng, phá hủy hoặc tiêu diệt các hệ thống máy tính nước ngoài.
Ngày 21/12, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đã công bố các tài liệu được giải mật, trong đó đề cập tới việc NSA được trao quyền thu thập, theo dõi với số lượng lớn các cuộc điện thoại và trên mạng Internet để săn tìm các phần tử khủng bố Al-Qaeda. Tổng thống Barack Obama từng nhấn mạnh, những tiết lộ của Edward Snowden đã làm tổn hại tới lợi ích của Mỹ, đồng thời cho biết đã sẵn sàng thay đổi quyền hạn của NSA trong một số chương trình.
Được biết, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã dùng điện thoại thông minh 2 màn hình Yotaphone do Nga sản xuất, còn ông Barack Obama không được dùng iPhone vì lý do an ninh. Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo đã chỉ đạo cho tất cả các thành viên trong chính phủ tắt điện thoại di động khi nội các thảo luận những chủ đề nhạy cảm. Tại Pháp, Hà Lan và một số quốc gia, tất cả các quan chức cao cấp có nhiệm vụ nhanh chóng chuyển sang sử dụng thiết bị di động với các hệ thống kết nối mật mã.
Vẫn còn giữ nhiều bí mật?
Thời điểm ra đời của CIA (1947) cũng là năm mở đầu cuộc Chiến tranh Lạnh (1947-1991) giữa Mỹ và Liên Xô và kể từ đó đến nay nghe lén luôn là đề tài được dư luận quan tâm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Washington Post ở Moskva hôm 23/12, Edward Snowden khẳng định không hề cung cấp thông tin tình báo cho Nga hay Trung Quốc bởi không có bất cứ thỏa thuận nào với họ; nhưng khi được hỏi còn lưu giữ thông tin mật nào không, cựu nhân viên CIA đã từ chối trả lời. Ngày 19/12, Tổng thống Putin cũng cho biết, ông chưa từng gặp Edward Snowden, đồng thời khẳng định các cơ quan tình báo Nga không liên lạc với cựu nhân viên CIA này.
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden |
Ngày 10/10, cựu nhân viên CIA Edward Snowden được trao giải thưởng Sam Adams vì “sự trọn vẹn trong tình báo” (còn gọi là tình báo chính trực) tại Moskva. Theo giới truyền thông, Edward Snowden sở hữu gần 1,7 triệu tài liệu mật liên quan tới NSA. Theo tờ The Guardian của Anh, Edward Snowden đã cung cấp cho báo giới khoảng 58.000 tài liệu mật có liên quan tới NSA. Tổng biên tập tờ The Guardian Alan Rusbridger cho biết, tài liệu mà Edward Snowden có trong tay mới được công bố 1%, nhưng số còn lại sẽ không được công bố ồ ạt. Ông Lon Snowden - bố của cựu nhân viên CIA này cũng cho rằng, con trai vẫn còn nhiều bí mật để tiết lộ và sẽ tiếp tục ở lại Nga để “phơi bày sự thật”.
Tuy đang sống ở Nga nhưng địa chỉ cụ thể của Edward Snowden chỉ một số người biết, cựu nhân viên CIA này liên lạc với luật sư và giới truyền thông qua mạng. Theo nhận định của chuyên gia về an ninh-tình báo Nga Andrei Soldatov, Cơ quan An ninh Nga (FSB) đang kiểm soát cuộc sống của Edward Snowden một cách kín đáo, nghiêm ngặt. Bởi theo giới truyền thông, luật sư của Edward Snowden - ông Anatoly Kucherena là thành viên trong Ban kiểm tra của FSB.
Biết đi về đâu?
Ngày 16/12, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã bác bỏ khả năng ân xá cho Edward Snowden sau khi ông Rick Leggett - quan chức cấp cao của NSA đề nghị một thỏa thuận ân xá để cựu nhân viên CIA không tiết lộ thêm bí mật nào nữa. Đề xuất của ông Rick Ledgett cũng bị Giám đốc NSA bác bỏ bởi ông Keith Alexander cho rằng, thỏa thuận ân xá sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho những người làm rò rỉ thông tin mật trong tương lai. Có tin nói rằng, Tổng thống Barack Obama đang tiếp tục tìm người thay thế Giám đốc Keith Alexander phụ trách cả NSA và Bộ Chỉ huy mạng của quân đội (Uscybercom) bất chấp những bê bối vừa qua tại 2 cơ quan này.
Trong những cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Edward Snowden đã bày tỏ nguyện vọng muốn đến Brazil nếu được chính phủ nước này cho phép, nhưng Bộ Ngoại giao Brazil cho biết họ chỉ có thể cân nhắc yêu cầu tị nạn khi nhận được đơn xin chính thức. Trên tài khoản Twitter của mình, Thượng nghị sỹ Ricardo Ferraso cho rằng, Brazil không nên bỏ lỡ cơ hội cấp tị nạn cho Edward Snowden - người đang nắm giữ chìa khóa để làm sáng tỏ chương trình do thám của Mỹ có liên quan tới Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.
Cựu nhân viên CIA cũng muốn giúp Đức điều tra chương trình do thám của Mỹ, nếu Berlin cho phép tị nạn chính trị. Được biết, hơn 50 quan chức Đức từng đề nghị Berlin cấp phép để Edward Snowden tới tị nạn giúp điều tra làm rõ những cáo buộc về hoạt động tình báo của Mỹ tại nước này. Trước đó (5/7), Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tuyên bố sẵn sàng cấp Quy chế tị nạn cho Edward Snowden nếu hoàn cảnh cho phép. Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng đã quyết định cho phép Edward Snowden tị nạn.
Trong số các quốc gia có tên, đáng quan tâm nhất là Ecuador bởi ngày 29/10, Tổng thống Ecuador Rafael Correa một lần nữa khẳng định: Sẽ cho cựu nhân viên CIA được tỵ nạn chính trị nếu nhận được yêu cầu từ Edward Snowden. Theo giới truyền thông, từ hạ tuần tháng 6, tin tức về việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden xin cư trú tại Ecuador đã tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Edward Snowden đã nhận giấy chuyển tiếp do Ecuador cấp và việc này được thông qua hôm 22/6, cựu nhân viên CIA được phép đến Ecuador để giải quyết đơn xin tị nạn chính trị cho dù bị Mỹ tịch thu hộ chiếu. Nhưng ngày 26/6, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino lại tuyên bố việc xem xét đơn xin tị nạn chính trị của Edward Snowden phải mất vài tháng.
Ngay sau khi biết thông tin này, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Rafael Correa đề nghị không cho phép Edward Snowden tị nạn chính trị tại Ecuador. Khi đó ông Rafael Correa đã nhắc lại với ông Joseph Biden về đề nghị của Ecuador yêu cầu Mỹ dẫn độ 2 công dân Ecuador chạy trốn sang Mỹ năm 2003 sau vụ tham nhũng làm sụp đổ Ngân hàng Filanbanco, nhưng bất thành.