9 tỉnh hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 3,04 triệu hộ; 13,38 triệu người; cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới.
Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.
Thống kê cho thấy hiện còn 12.976 hộ di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, 58.123 hộ thiếu đất ở, 465.266 hộ cần hỗ trợ nhà ở, 54.193 hộ thiếu đất sản xuất, 223.449 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Hiện có 9 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm trên 90%; 4 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ 70% - 90%.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, hiện còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt.
Cùng với đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám định kỳ mới đạt 71%; tỷ lệ sinh con tại nhà là 36,3%; trẻ em suy dinh dưỡng là 32%.
Trong khi đó, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm; hầu hết các bộ, ngành và địa phương chưa đạt được tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS theo quy định…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng nhấn mạnh việc còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, một số tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn bán và vận chuyển trái phép ma túy, buôn bán người qua biên giới... là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Trong bối cảnh đó, Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020.
Ở thời điểm này, trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định; trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; đảm bảo có từ 10 - 12% số học sinh DTTS trong độ tuổi trung học được hưởng chính sách trường phổ thông dân tộc nội trú; phấn đấu ít nhất 99% trẻ em 5 tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, 97% trẻ em 6 tuổi vào học lớp 1; trên 95% người DTTS trong độ tuổi 15 đến hết tuổi lao động biết chữ;
Trên 90% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trên 90% phụ nữ được khám thai ít nhất 3 lần trong kỳ mang thai, sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 8%;
Trên 90% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trong đó trên 60% có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị; trên 80% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo Khung đối tượng 4;
Mục tiêu cụ thể đến 2030 được đặt ra là không còn hộ đói; hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020; 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực;
Đề án cũng đặt mục tiêu giảm ít nhất 70% số thôn đặc biệt khó khăn; 80% số xã đặc biệt khó khăn so với năm 2020…