Năm 2025 tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm

(PLVN) - Ngày 2/1/2025, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân năm 2025 tại các quận Tây Hồ và Ba Đình, Hà Nội.
Cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh bị tạm dừng hoạt động vì chưa bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu. (Nguồn: ANTĐ)

Tại quận Ba Đình, Đoàn đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh ở địa chỉ số 11 Hàng Than.

Khi kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và 5 người lao động. Cơ sở cũng chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm… Cơ sở bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh đã bị tạm dừng hoạt động vì chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.

Trước đó, trong Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024, tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và do thức ăn đường phố. Thống kê trong 11 tháng, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.726 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, song số tử vong giảm 7 người. Số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc/vụ) là 29 vụ, khiến 4.049 người mắc và 2 người tử vong. Số vụ ngộ độc nhỏ, vừa (dưới 30 người mắc/vụ) là 102 vụ, khiến 747 người mắc và 19 người tử vong.

Trong tháng 12, tại một số địa phương đã xảy ra những vụ ngộ độc tập thể khiến nhiều người nhập viện và đã có trường hợp tử vong như: ngày 19/12, trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm tử vong 2 người, nhiều người phải cấp cứu tại bệnh viện; đầu tháng 12, hơn 40 công nhân Công ty Premium Fashion (công ty may), đóng trong Khu công nghiệp WHA, thuộc xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc phải nhập viện trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, cảm giác nóng bừng mặt, một số có cảm giác tức ngực, mẩn đỏ... với chẩn đoán ban đầu là ngộ độc thực phẩm, phản vệ độ 1.

Năm 2024 cũng ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn trường học và cả căng-tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học; do thức ăn đường phố như vụ ngộ độc thực phẩm hơn 300 người phải nhập viện tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến nhiều người dân lo lắng khi tất cả số người bệnh này xuất hiện triệu chứng nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình, phường 7, TP Vũng Tàu.

Trước tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Tính đến 30/11, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, phạt tiền 6.658 cơ sở, với số tiền phạt hơn 33,5 tỷ đồng. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, cùng với đó số tiền phạt cũng tăng 1,69 lần.

Năm 2025, ngành Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý an toàn thực phẩm, rà soát xây dựng dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Bộ Y tế tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối từ Trung ương đến địa phương.