Như PLVN đã phản ánh, khoảng 17h40 ngày 1/1/2022, tại khu vực sân nhà trông đầm nuôi cá của ông Trịnh Xuân Triều thuộc khu nuôi trồng thủy sản xã Giao Châu (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) xảy ra xô xát giữa ông Triều và ông Trần Văn Sơn. Hậu quả ông Sơn bị thương, được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong vào ngày 2/1/2022.
Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi 141/GĐKTHS ngày 11/1/2022 của Phòng Kỹ thuật Hình sự (KTHS) Công an Nam Định; nguyên nhân tử vong của ông Sơn được xác định là do chấn thương sọ não, vỡ xương hộp sọ, chảy máu nội sọ.
Ông Triều bị khởi tố, truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS.
Ngày 16/9/2022, TAND huyện Giao Thủy đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt bị cáo 8 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Gia đình nạn nhân cho rằng việc TAND huyện Giao Thủy tuyên ông Triều phạm tội “Cố ý gây thương tích” là chưa thỏa đáng nên có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt (vợ) và chị Trần Thị Hạnh (con ông Sơn), thì tại bản kết luận giám định pháp y tử thi, các thương tích trên cơ thể ông Sơn hết sức nghiêm trọng. Trên vùng đầu, mặt có nhiều vết thương tích nặng (gồm vết thương bên ngoài và bên trong).
Trong đó, vết thương “vỡ hộp sọ vùng thái dương - đỉnh phải, đường vỡ ngang qua khe khớp thái dương đỉnh phải dài 12cm, giãn khe khớp thái dương - đỉnh phải”; “Bản trong xương hộp sọ vùng thái dương - đỉnh phải có đường vỡ tương ứng bản ngoài xương hộp sọ”; “Vùng cổ lỏng lẻo so với thân người”; “Vùng đỉnh - chẩm phải có đám trợt da, sưng nề bầm tím, kích thước 11cm x 08cm...”.
Người nhà nạn nhân cho rằng xác định “Triều đấm liên tiếp vào vùng mặt, đầu ông Sơn… Triều vung tay đẩy vào người ông Sơn, làm ông Sơn ngã người ra sau khiến đầu bị đập xuống nền sân bê tông” mà có thể tạo ra những vết thương như trên là chưa thỏa đáng.
“Trong trường hợp ông Triều gạt tay và bố tôi ngã người ra phía sau, đập đầu xuống nền sân bê tông thì trên đầu bố tôi chỉ có thể có một thương tích, không thể nào có nhiều vết thương với 3 vết thương nghiêm trọng ở 3 vị trí khác hẳn nhau được”, chị Hạnh nêu quan điểm.
Nhận định về vụ án, LS Hoàng Thị Vịnh (Đoàn LS tỉnh Nam Định), nói, theo kết luận giám định pháp y của Phòng KTHS Công an Nam Định, nạn nhân bị nhiều thương tích rất nặng, ít nhất 15 vị trí trên cơ thể bị tổn thương như: thương tích ở mắt trái, gò má trái, trước và sau dái tai trái, miệng, hàm trái, thái dương đỉnh phải, thái dương đỉnh trái…
Các thương tích đều có dấu hiệu tác động rất mạnh vào vị trí nguy hiểm, gãy xương mũi, gãy cổ, vỡ xương hộp sọ vùng thái dương phải dài 12cm, tụ máu dưới màng cứng vùng thái dương trái 12cm x 10cm…
Tuy nhiên, điều đáng nói là kết luận không đề cập về cơ chế hình thành thương tích của nạn nhân. Vì vậy, gia đình nạn nhân đã khiếu nại. Sau đó, Công an huyện Giao Thủy trưng cầu giám định bổ sung.
Tại Kết luận giám định bổ sung 309B ngày 24/2/2022 của Phòng KTHS Công an Nam Định, kết luận: “Các vết thương vùng mặt, mắt, mũi, góc hàm, tai do vật cứng tác động trực tiếp. Không xác định được hung khí”.
Trong khi đó, LS Nguyễn Anh Tuấn, (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng: “Theo điểm b khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời gian tối đa để CQĐT trưng cầu giám định là 1 tháng. Nhưng hơn 1 tháng sau khi xảy ra án mạng, CQĐT mới trưng cầu giám định cơ chế hình thành thương tích. Phòng KTHS Công an tỉnh chỉ dựa trên hồ sơ giám định ban đầu để ra văn bản kết luận về cơ chế hình thành vết thương là có dấu hiệu chưa phù hợp với Điều 206, 208 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư 47/2013/TT-BYT quy định giám định pháp y”.
“Nếu kết quả giám định không xác định nguyên nhân chết, tính chất tổn thương, cơ chế hình thành thương tích, vật gây ra thương tích… là cần xem xét lại. Kết quả giám định cần xác định được chính xác, khách quan nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân cũng như hành vi nào của bị can, bị cáo trực tiếp làm nạn nhân chết”, LS Tuấn nêu ý kiến.
Dự kiến ngày 29/12 tới, TAND tỉnh Nam Định sẽ đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm. Gia đình bị hại cho biết mong các tình tiết, chứng cứ của vụ án sẽ được xem xét khách quan, toàn diện.