Từ nhỏ, Trọng Nghĩa đã lớn lên trong tiếng đàn kìm của ông ngoại để rồi tâm hồn nghệ sĩ và dòng máu nghệ thuật cũng được nuôi lớn lúc nào không hay. Dù chưa học qua trường lớp, nhưng đi hát ở trong xóm thôi, Trọng Nghĩa cũng đã được bà con ủng hộ thương mến. Từ từ, nam nghệ sĩ được đầu tư học bài bản ở Đoàn cải lương Sài Gòn 1 tổ chức - lớp học cũng như là sân khấu đầu đời của mình. Được "Tổ thương" cùng sự nỗ lực hết mình, con đường hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Trọng Nghĩa ngày một có tương lai.
Ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, giai đoạn cải lương hoàng kim trong thập niên 80 - 90, Trọng Nghĩa là cái tên được khán giả mến mộ bên cạnh nghệ sĩ Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Thoại Mỹ... Ông có nhiều vai diễn để đời trong các vở như: “Nặng gánh giang sơn”, “Long Phụng Châu báo quốc”, “Xử án Phi Giao”...
Trong thập niên 80 - 90, Trọng Nghĩa là cái tên được khán giả mến mộ bên cạnh nghệ sĩ Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long... |
Nhưng ít ai biết có một khoảng thời gian, nam nghệ sĩ phải dừng hoạt động nghệ thuật. Đến khi trở lại, ông có chút mặc cảm vì tụt lại phía sau so với nghệ sĩ đồng trang lứa. Nghệ sĩ Trọng Nghĩa trải lòng: “Tôi chúc mừng người ta nhưng cũng buồn vì sao mình không bằng. Thực sự mà nói, tôi có rất nhiều cơ hội chẳng qua có nhiều biến cố gia đình xảy ra khiến tôi không làm được. Có thời gian tôi nghỉ hát 2 năm do bị suy nhược cơ thể, trầm cảm.
Tôi phải lo rồi xoay xở chuyện này chuyện kia nên đầu óc quần quần trong 3-4 năm trời vậy đó… mình đuối. Từ từ, tôi bị trầm cảm, ra sân khấu thấy đèn không dám hát, thấy đông người là sợ. Những chương trình trực tiếp bị hoài luôn, tôi bận đồ xong đến khi chương trình mở sóng, tim tôi đập mạnh, chùn bước hát không được phải thế người. Mà thế người như vậy mình cũng mang tiếng, tôi hơi buồn lúc đó. Ngày trước ai rủ đi nhậu đông người thì vui, giờ ốm lại sợ không đi đâu. Khi đó, bệnh viện tâm thần 10 bác sĩ tôi đi cũng được 5 người. Giờ nhắc lại vẫn nổi da gà”.
Trong khoảng thời gian dưỡng bệnh, nghệ sĩ Trọng Nghĩa may mắn có sự đồng hành, chia sẻ của người thân, đồng nghiệp giúp ông tốt hơn. Ngoài ra, nam nghệ sĩ rất cố gắng nghĩ đến gia đình, sự nghiệp... để tự vực dậy tinh thần. Dù khi trở lại sân khấu có “chậm nhịp” hơn mọi người, khán giả cũng dần quên nhưng ngọn lửa nghề đã soi sáng cho ông không ngừng nỗ lực và chỉ một vài năm sau lại có được vị thế ngày nào.
Có một khoảng thời gian, sân khấu kịch dần vắng bóng người xem, Trọng Nghĩa phải vừa đi lái xe vừa đi diễn hài để trang trải cuộc sống gia đình. Ông nhớ cải lương, nhớ hồ Quảng rất nhiều nhưng chưa tìm được đường quay lại cho tới khi gặp nghệ sĩ Vũ Linh.
Ít ai biết rằng, nam nghệ sĩ phải dừng hoạt động nghệ thuật vì trầm cảm, phải lái xe, diễn hài kiếm tiền. Ảnh: MCV. |
Nam nghệ sĩ chia sẻ: “Sau này anh Vũ Linh về đoàn dựng tuồng ‘Nặng gánh giang san’ để anh hát vai chính, tôi hát vai nhì. Chắc Tổ nghề thương kéo lại để tôi được gặp và hát vai đó, tại tôi quá yêu nghề. Từ đó, ngày nào cũng hát từ thứ ba đến chủ nhật, vai diễn của tôi cũng bật lên, khán giả đến xem và ra ngoài đồn có ông này hát được, hát hay. Có một chị bán son phấn nói tôi có tên rồi, tôi nghe cũng mừng vậy là mình được ‘nhóm’ lên rồi”.
40 năm hoạt động hết mình dưới ánh đèn sân khấu, dù qua bao thăng trầm vẫn may mắn được quay về làm nghề, nghệ sĩ Trọng Nghĩa luôn cảm thấy trân quý về điều đó. Trên con đường sự nghiệp, nam nghệ sĩ còn một may mắn lớn nhất đó là có gia đình là hậu phương vững chắc. Sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ, ông cưới vợ lần 2 năm 52 tuổi, hiện đang có cuộc sống viên mãn bên người vợ kém 29 tuổi và các con.
Chia sẻ tại “Người kể chuyện đời”, nam nghệ sĩ ấp ủ thực hiện một liveshow kỷ niệm 40 năm làm nghệ thuật như một món quà gửi tặng những người yêu thương, ủng hộ ông và cho cả chính bản thân ông cũng có một kỷ niệm đẹp. Ông cũng gửi lời khuyên chân thành tới các thế hệ tiếp theo: “Những nghệ sĩ sau này tôi khuyên cố gắng đi theo con đường các nghệ sĩ đã đi trước, đi theo chu vi của cái nghề này. Phải có người lớn hướng dẫn đàng hoàng, không được tự ý làm hay cho mình đúng”.