Nam sinh suýt chết vì bị nhóm bạn dìm xuống mương sâu

Ra mương chơi, bị các bạn đùa kéo dìm xuống chỗ nước sâu, Nguyễn Đăng Đan (13 tuổi, ở Bắc Ninh) sau đó dù được sơ cứu kịp thời nhưng vẫn suýt chết do nhiễm khuẩn dẫn đến phù phổi cấp.

Ra mương chơi, bị các bạn đùa kéo dìm xuống chỗ nước sâu, Nguyễn Đăng Đan (13 tuổi, ở Bắc Ninh) sau đó dù được sơ cứu kịp thời nhưng vẫn suýt chết do nhiễm khuẩn dẫn đến phù phổi cấp.

Cháu Nguyễn Đăng Đan (giữa) may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần.
Cháu Nguyễn Đăng Đan (giữa) may mắn thoát khỏi tay tử thần.

Chiều 5/9 vừa qua, sau buổi học, cháu Nguyễn Đăng Đan (13 tuổi, ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) cùng các bạn học rủ nhau ra mương chơi. Vì không biết bơi nên Đan đứng chỗ cạn nhưng bị các bạn đùa, kéo dìm xuống chỗ nước sâu.

Thấy Đan chới với, vùng vẫy, các bạn hoảng sợ nhưng không cứu được. Rất may, một người đàn ông đang câu cá ở gần đó nghe tiếng hô hoán đã kịp thời chạy đến vớt Đan lên.

Sau khi được sơ cứu, hô hấp nhân tạo, cháu Đan đã nôn ra được nhiều nước và tỉnh lại, tự đi xe đạp về nhà. Tuy nhiên, tối cùng ngày, Đan bắt đầu lịm đi, khó thở kèm theo biểu hiện ho, sốt, môi tím tái dần. Vì bố mẹ cháu đều làm việc ở miền Nam nên Đan đã được bác ruột đưa đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Kinh Bắc.

Kết quả chụp phim phổi cho thấy phổi đã gần như mờ hoàn toàn nên BV chuyển ngay bệnh nhân đến Khoa Nhi BV Bạch Mai. Tại đây, kết quả chụp phim cho thấy tổn thương phổi tiếp tục tăng lên, Đan được chẩn đoán phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước gây suy hô hấp. Ngay lập tức, Đan được thở máy, điều chỉnh để lượng oxy trong phổi luôn đủ. Sau liên tục thở máy trong 3 ngày, tình trạng viêm phổi của cháu bé cơ bản được đẩy lùi.

Ngày 11/9, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết hiện sức khỏe của Đan đã bình phục, sau 2 ngày nữa có thể xuất viện.

Theo TS Dũng, khác với ở bể bơi, người bị đuối nước ở ao hồ hoặc môi trường nước tự nhiên nói chung rất dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm phổi, phù phổi. Ở môi trường này, nước bẩn dễ bị nhiễm hóa chất, vi trùng nên dễ ô nhiễm vào phổi. Y học gọi những trường hợp sau đuối nước như trên là chết đuối trên cạn.

Do đó, ngay cả khi người bị đuối nước đã tỉnh lại, tự thở sau sơ cứu ban đầu vẫn nên đưa đến BV để có thể ngăn chặn diễn biến bất thường.

Theo Người lao động

Đọc thêm