Nằm viện cả tháng vì chủ quan với nhọt nhỏ sau gáy

0:00 / 0:00
0:00
Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh không được tự ý nặn, hoặc chườm nóng, lạnh sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu...

Khoa Phẫu thuật tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới điều trị thành công bệnh nhân bị mụn nhọt dẫn đến áp xe vùng hàm mặt.

Bệnh nhân là bà N.T.H (67 tuổi, Hà Nội), tiền sử đái tháo đường tuýp II, di chứng chất độc màu da cam.

Trước vào viện 2 tuần, bà H bị nhọt nhỏ bằng hạt đậu sau gáy. Mụn dần sưng tấy, đau nhiều, đầu mụn có ngòi, gây sốt.

Ngại đi bệnh viện nên bà H tự mua thuốc điều trị tại nhà. Khi vết sưng có dấu hiệu lan rộng, đau nhiều, bệnh nhân mới đến viện.

Khi bà H vào viện, mụn đã là những ổ áp xe nhỏ nhiều vách và ngóc nghách, tổ chức dưới da vùng sau gáy hoại tử có mủ trắng. Bệnh nhân đã được cắt lọc, làm sạch để da hở kết hợp với dùng thuốc kháng sinh, thay băng hàng ngày.

10 ngày sau cắt lọc vết thương, các bác sỹ tiến hành ghép da khâu đóng vết mổ.

Sau 30 ngày nằm điều trị khoa với sự tận tình của y bác sỹ trong khoa, bà H đã được ra viện.

Theo điều dưỡng Khoa Phẫu thuật tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhọt là dạng nhiễm trùng da, khởi phát từ lỗ chân lông hay tuyến dầu nhờn. Mụn nhọt thường là bệnh lành tính nhưng không thể coi thường. Lúc bắt đầu là vùng da nhỏ bị nhiễm trùng đỏ và một u mụn cứng lớn dần, sau 4-7 ngày dịch mủ hình thành dưới da.

Khi có dịch mủ nhọt lớn dần và đau hơn. Da xung quanh nhọt chuyển sang màu đỏ và sưng, đỉnh nhọt có đầu nhân nhỏ màu vàng, trắng. Qua thời gian nhân mủ này vỡ và dịch thoát ra ngoài, một số người bệnh còn có biểu hiện sốt và mệt mỏi toàn thân khi mắc hậu bối (nhọt cụm). Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển nạng hơn, từ một mụn nhỏ có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết đe dọa đến tính mạng.

Khoa Phẫu thuật tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từng điều trị rất nhiều bệnh nhân bị mụn nhọt dẫn đến áp xe vùng hàm mặt như trường hợp bà H. Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập vào nang lông, gây ra mụn nhọt ở những người có vùng da hoại tử, da chết hoặc da tổn thương. Không được điều trị đúng cách, người bệnh bị nhiễm trùng...

Chuyên gia khuyến cáo, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh không được tự ý nặn, hoặc chườm nóng, lạnh sẽ dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng máu. Trong trường hợp nhẹ không có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể đợi và ngày cho mụn “chín” tự vỡ có thể dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch lấy ra ngoài, sau đó rửa lại bằng betadin hoặc cồn IOD, tránh làm xước vùng vừa tháo mủ. Tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn để tránh nhiễm trùng sốc phản vệ.

Để phòng tránh mụn nhọt cần giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa lau dọn thường xuyên, phòng ngủ thoáng mát, chăn gối cần được giặt phơi nắng thường xuyên, thay quần áo mỗi ngày, đặc biệt khi thấy ướt mồ hôi, Không cạy, chà xát các vết rôm sảy trên da, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin, hạn chế thức ăn có đường đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường.