Dù vụ bể nợ nhiều tỷ đồng của bà Phạm Thị Thu Tứ ở dường Lê Lợi, phường Phước Hội (thị xã Lagi, Bình Thuận) diễn ra cách đây hơn một năm, nhưng hậu quả của nó khiến nhiều gia đình đảo lộn và trên bờ vực tan nát.
Nhiều nạn nhân đang rơi vào nguy cơ tan vỡ gia đình |
“Giao trứng cho ác”
Vựa gạo của bà Tứ chuyên cung cấp cho các tàu thuyền nên mỗi tháng bán ra hàng trăm tấn, cộng với nguồn thu lớn từ việc kinh doanh xe bus, xe tải đã tạo “niềm tin” cho nhiều người... "dính bẫy". “Vỏ bọc” đó đã bị lộ tẩy khi vào tháng 5/2011, bà này tuyên bố không còn khả năng trả nợ với số tiền trên 10 tỷ đồng, khiến hàng chục gia đình chết lặng…
Chị Ngô Thị Hồng Loan ở khu phố 6, phường Phước Hội, thị xã Lagi kể: “Một tháng trước khi bị bắt, bà Tứ gấp rút huy động một số vốn lớn. Vì quen biết, làm ăn với nhau từ lâu nên khi bà Tứ nói cần tiền đáo nợ ngân hàng trong vòng một tháng sẽ hoàn lại, tôi tin tưởng và không ngần ngại đưa 2 tỉ đồng.
Ai ngờ rằng đó là cú “vớt” đậm cuối cùng của bà. Số tiền đó tôi vay ngân hàng để mua máy về làm công ty thuỷ sản. Giờ thì chẳng những không có tiền để mua máy, mà còn còng lưng bán nhà bán cửa để trả lãi ngân hàng. Vì món nợ khổng lồ này mà hai vợ chồng tôi mâu thuẫn gay gắt, sống ly thân”.
Chị Nguyễn Thị Trúc Ngân ở Phan Thiết cho biết: “Mẹ tui ở Lagi cũng đã cho bà Tứ vay tiền. Ngày 15/4/2011, mẹ tôi dẫn bà Tứ ra nhà vợ chồng tôi ở Phan Thiết. Bà Tứ nói đang gặp khó khăn và cần tiền đáo nợ ngân hàng, sau 20 ngày sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lãi. Tin tưởng mẹ tôi, hơn nữa bà Tứ cũng hứa rất tử tế nên chồng tôi đã chuyển 1,6 tỷ đồng cho bà Tứ. Thế nhưng, đến ngày trả nợ thì bà cao chạy xa bay, khiến gia đình tôi điêu đứng. Có lúc vợ chồng còn định ly hôn…”.
Còn chị Huỳnh Thị Phượng cũng chỉ vì muốn kiếm chút tiền lời nên đã huy động tiền của anh em họ hàng cho bà Tứ vay gần 700 triệu đồng những cũng bị bà Tứ “giật”. Sau sự cố, chồng chị Phượng lo lắng tột độ vì không biết phải lấy đâu ra tiền mà trả nợ cho họ hàng nên anh uất ức dẫn đến tai biến mạch máu não phải nằm bệnh viện nhiều tháng trời.
Rất nhiều trường hợp bị bà Tứ giật tiền khác như bà Võ Thị Sinh 480 triệu đồng, Nguyễn Thị Tường Chi 530 triệu, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu hơn 400 triệu đồng, Nguyễn Thị Hồng 950 triệu đồng, Phạm Thị Bạch Tuyết 210 triệu…
“Con số bị giật nợ trong vụ án của bà Tứ là không thể thống kê hết vì rất nhiều lý do. Có người là cán bộ, công nhân viên chức nên không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng, có người vì không hiểu biết luật, có người thì than thở “của đi thay người”.
Tuy nhiên, tội nhất vẫn là những người quanh năm làm lụng lượm ve chai, phụ hồ tích góp cả đời được vài chục triệu gửi cho bà Tứ mong kiếm đồng tiền lãi, nhưng giờ thì họ mất sạch nên rất thương cảm…”, ông Nguyễn Đình Sáng, Chủ tịch UBND phường Phước Hội cho biết.
Lời khẩn thiết từ các nạn nhân
Vụ án đã được Công an thị xã Lagi chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Bình Thuận theo thẩm quyền. Thế nhưng, sau gần một năm điều tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận vẫn chưa tìm thêm được manh mối nào về tài sản của bà Tứ.
Theo báo cáo kết luận ban đầu của Công an thị xã Lagi thì chỉ trong thời gian tháng 4 và tháng 5/2011, bà Tứ đã vay gần 3,7 tỷ đồng, số tiền này bà Tứ trả nợ cho những người thân trong gia đình hết 1,8 tỷ đồng, số tiền còn lại bà Tứ không giải trình được.
Trung tá Lê Minh Hồng - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an thị xã Lagi - nói: “Ít ngày trước khi tuyên bố vỡ nợ, bà Tứ đã dùng thủ đoạn huy động của nhiều cá nhân với mục đích để đáo nợ ngân hàng, nhưng qua xác minh ở các ngân hàng thì không hề có chuyện đáo hạn nào cả. Số tiền đó, bà Tứ dùng trả nợ cho người thân trong gia đình. Chưa hết, chỉ trong thời gian ngắn, bà này đã chuyển nhượng, sang tên tài sản gồm nhà ở, đất đai, phương tiện cho người trong gia đình. Đây rõ ràng là có sự tính toán rất kỹ lưỡng của bà Tứ nhằm tẩu tán hết tài sản của mình”.
Ngoài một số tài sản mà Công an Lagi đã làm rõ như căn nhà 50 Lê Lợi, căn nhà ở đường Phan Bội Châu, 2 chiếc xe ô tô, một miếng đất ở khu dân cư Nguyễn Thái Học, một xe mô tô đã được bà Tứ chuyển nhượng cho những người thân trong gia đình, thì ngay từ khi vụ án được chuyển giao cho công an tỉnh Bình Thuận, các bị hại đã cung cấp cho cơ quan này một số thông tin về tài sản khác như hai căn nhà ở quận Gò Vấp và quận Thủ Đức (TP.HCM), một miếng đất ở Tân Minh, huyện Hàm Tân (Bình Thuận).
Đặc biệt là trước lúc bỏ trốn một ngày, bà Tứ có sắp 3 giỏ tiền lớn và bán gấp 80 tấn gạo. Việc sắp 3 giỏ tiền đã được đối chất giữa bà Tứ và cô giáo Thu (nạn nhân mất hơn 400 triệu) vào ngày 15/6/2011 tại Công an Lagi… Vậy nhưng đến thời điểm này (dù đã kết thúc điều tra), vẫn chưa làm sáng tỏ những tài sản nêu trên liệu có hay không và nó đã đi đâu?. Liệu có vỡ nợ thật sự hay không, hay chỉ là chiêu bài để tẩu tán hết tài sản?.
Ngọc Quý - Phúc Thắng