Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở

(PLO) - Nhận thức tầm quan trọng của y tế cơ sở (YTCS), thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư. Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 cũng đã đề cập các quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, YTCS là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân”... song hiện nay, YTCS vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở để phát triển BHYT toàn dân bền vững
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở để phát triển BHYT toàn dân bền vững

BHYT - nguồn tài chính quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân 

Ước tính đến 31/5/2018 có 81,3 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số, hoàn thành chỉ tiêu của Đảng, Quốc hội giao. Trong đó người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT.

Theo đó, Bộ Y tế đánh giá, với kết quả này, mục tiêu đến năm 2020 có trên 90,7% dân số tham gia BHYT là hoàn toàn có khả năng thực hiện được và phấn đấu tới năm 2025 có trên 95% dân số có BHYT theo mục tiêu đã đề ra”.

Bộ Y tế cũng đồng thời khẳng định: "BHYT là cơ chế tài chính y tế cho chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện BHYT toàn dân, ưu tiên sử dụng quỹ BHYT tại Trạm y tế xã góp phần bảo đảm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS, hướng đến bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, KCB cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân".

Ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho biết: Thời gian qua, nhiều hoạt động nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịnh vụ của mạng lưới YTCS đã được ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện.  Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến YTCS. Theo đó, gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả bao gồm 78 dịch vụ kỹ thuật KCB và 241 thuốc mà Trạm y tế tuyến xã phải cung cấp được (áp dụng tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, Trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y).

Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật BHYT. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định giao quỹ KCB cho Trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú, việc bỏ quy định giao quỹ sẽ nâng mức chi trả chi phí KCB tại Trạm y tế tuyến xã kể cả chi phí điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, chi trả chi phí thuốc điều trị HIV, lao…, qua đó nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại tuyến cơ sở, giảm tình trạng người bệnh lên tuyến trên điều trị gây quá tải cho BV tuyến trên…

Tăng cường năng lực hệ thống y tế cơ sở hướng tới BHYT toàn dân

Đánh giá về thực trạng y tế cơ sở (YTCS) hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, thực tế, người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân do chất lượng dịch vụ y tế tại hệ thống YTCS còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tại tuyến ban đầu, năng lực hoạt động của các cán bộ y tế tại YTCS còn hạn chế, danh mục thuốc cho các trạm y tế còn ít, nghèo nàn,…

Tại nhiều địa phương của miền núi diện tích rộng, xa trung tâm thì chỉ có mỗi một trạm y tế trong khi trạm này chưa được đầu tư thường xuyên nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thế nhưng nhiều xã, phường ngay vùng đồng bằng sát cạnh bệnh viện huyện vẫn xây trạm y tế to trong khi không có bệnh nhân. Chính vì thế, dẫn đến sự chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa người dân miền núi và vùng đồng bằng.

Bên cạnh đó, trong YTCS còn có khó khăn về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho YTCS phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Theo đó, để giải quyết những vấn đề trên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết: Ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính, mà trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của YTCS như: Ðưa trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. 

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh BHYT cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…