Nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

(PLVN) - Sáng 22/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú họp với các đơn vị xây dựng pháp luật về công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.
Cảnh cuộc họp.

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Trần Văn Lợi cho biết, Luật Ban hành VBQPPL đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vào ngày 19/2/2025. Tiếp đó, ngày 1/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2025/NĐ-CP (Nghị định số 78) quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành VBQPPL.

Các văn bản trên đã có nhiều quy định mới, đột phá trong tư duy xây dựng pháp luật; đồng thời, công tác thẩm định cũng có nhiều điểm đổi mới so với quy định trước đây.

Cụ thể, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL 2025 và Nghị định số 78, việc thẩm định chính sách, dự án, dự thảo bắt buộc phải có sự tham gia hoặc ý kiến của 5 Bộ bắt buộc là: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Ông Trần Văn Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phát biểu tại cuộc họp.

Trong đó, Bộ Ngoại giao có ý kiến về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có ý kiến về bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Bộ Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính. Bộ Nội vụ có ý kiến về việc phân quyền, phân cấp và nguồn nhân lực.

Bộ Tư pháp có ý kiến về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Trường hợp không thể tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định (HĐTĐ) hoặc cuộc họp thẩm định, thành viên HĐTĐ, người được cử tham gia cuộc họp thẩm định phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Bộ Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp HĐTĐ hoặc cuộc họp thẩm định.

Trường hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ không có đại diện tham gia cuộc họp HĐTĐ hoặc cuộc họp thẩm định mà không gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản thì Bộ Tư pháp có thông báo bằng văn bản gửi Bộ trưởng các Bộ về việc này và kèm theo báo cáo thẩm định.

Luật cũng quy định Báo cáo thẩm phải thể hiện rõ hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ; Báo cáo thẩm định thể hiện việc tham gia ý kiến thẩm định của 5 Bộ trên. Trường hợp Báo cáo thẩm định kết luận hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện.

Trường hợp chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự án gửi Bộ Tư pháp để thẩm định lại.

Về trách nhiệm của cơ quan đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo, theo quy định, các cơ quan này gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định theo đúng thành phần và hình thức quy định tại Luật và Nghị định. Nếu hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu thì phải hoàn thiện và gửi lại Bộ Tư pháp.

Đối với thẩm định chính sách, dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình thì Lãnh đạo cơ quan lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thuyết trình và giải trình các vấn đề liên quan đến chính sách, dự án tại cuộc họp thẩm định.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú kết luận cuộc họp.

Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo chỉ đủ điều kiện trình Chính phủ sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì cơ quan lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định và chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, giải trình để trình Chính phủ.

Trường hợp hồ sơ chính sách, dự án chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, cơ quan lập đề xuất chính sách, chủ trì soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ chính sách, dự án, dự thảo và gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại.

Tại phiên họp, lãnh đạo, đại diện các đơn vị xây dựng pháp luật về công tác thẩm định đã nêu nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng thẩm định VBQPPL.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị Vụ Công tác xây dựng VBQPPL tổng hợp những nội dung mới trong hoạt động thẩm định để phổ biến đến các đơn vị thuộc bộ, đồng thời phối hợp với các đơn vị thẩm định, Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện quy định về thẩm định của Bộ Tư pháp trong thời gian tới./.

Đọc thêm