Hiệu quả rất cao
Theo báo cáo của lực lượng Cảnh sát giao thông, từ năm 2012 đến ngày 16/4/2019, toàn quốc đã lập biên bản hơn 36,7 triệu trường hợp vi phạm, phạt hơn 20,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng tập trung xử lý các hành vi vi phạm phổ biến như chạy quá tốc độ quy định (hơn 2,5 triệu trường hợp, chiếm 6,87%), đi không đúng phần đường, làn đường (hơn 994 nghìn trường hợp, chiếm 2,7%), vi phạm về nồng độ cồn (gần 900 nghìn trường hợp, chiếm 2,4%)…
Nghị định số 165/2013/NĐ-CP quy định có 18 loại thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện VPHC về giao thông đường bộ, 14 loại thiết bị được sử dụng để phát hiện VPHC về giao thông đường sắt và 6 loại thiết bị được sử dụng để phát hiện VPHC về đường thủy nội địa. Việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bước đầu đã phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, yêu cầu hiện đại hoá công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên và các biện pháp thủ công của lực lượng Cảnh sát giao thông đang thực hiện.
Việc triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông tác động mạnh mẽ vào ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là đối với người điều khiển ô tô, mô tô…, góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Một số địa phương thực hiện có hiệu quả như TP Tam Kỳ (Quảng Nam), TP Rạch Giá (Kiên Giang), TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk)…
Cùng với việc phát hiện và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, hệ thống camera giám sát còn hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tiết phân luồng giao thông; lưu trữ các thông tin hình ảnh nhằm hỗ trợ công tác điều tra, tìm hiểu diễn biến và nguyên nhân vụ tai nạn, xác định được đối tượng gây tai nạn…
Bộ Giao thông Vận tải cũng có sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là thiết bị cân hoặc bộ cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới và thiết bị ghi hình làm căn cứ xác định và xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Qua kiểm tra và thử nghiệm 4 bộ cân theo công nghệ Nhật Bản do JICA tài trợ lắp trên quốc lộ 5, đã mang lại hiệu ứng tích cực, hiệu quả về mọi mặt rất cao.
Cách nào giảm hiện tượng chây ì nộp phạt?
Tuy nhiên, theo một số ý kiến, việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện VPHC trong lĩnh vực giao thông làm căn cứ xử phạt VPHC (hay được gọi là “phạt nguội”) còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Thành Công (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, hiện chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục xử lý đối với các vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện, việc thông báo yêu cầu người vi phạm đến xử lý phạt nguội hiệu quả thấp; hành lang pháp lý thực hiện phạt nguội chưa đầy đủ; một số quy định của Luật XLVPHC chưa rõ ràng. Đến từ Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải), Phó Vụ trưởng Đặng Văn Chung cho hay, do 4 bộ cân trên mới chỉ là thử nghiệm nên nếu đưa vào chính thức, chắc chắn cũng phát sinh tình trạng không tìm được chủ phương tiện vi phạm.
Để khắc phục, ông Công đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác XLVPHC, trước mắt là kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những quy định trong Luật XLVPHC như luật hóa việc sử dụng hình ảnh ghi nhận về hành vi VPHC về giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp để lực lượng chức năng xử phạt VPHC với điều kiện hình ảnh được ghi trung thực, thể hiện rõ thời gian, địa điểm, hành vi vi phạm và còn trong thời hiệu xử phạt VPHC.
Đồng thời, nghiên cứu quy định mỗi chủ phương tiện phải có một tài khoản ngân hàng với số dư nhất định để nâng cao hiệu quả công tác phạt nguội, ngăn chặn tình trạng chủ phương tiện vi phạm cố tình trốn tránh không thực hiện quyết định xử phạt khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền sử dụng.
Ông Chung thì kiến nghị, quy định yêu cầu áp dụng công nghệ của phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ dùng để kiểm tra, phát hiện hành vi VPHC phải đảm bảo hoạt động tự động, chính xác nhằm giảm tối đa hoặc không cần người thi hành công vụ (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) đứng ngoài đường. “Đây chính là “khoảng trống” rất lớn về quản lý, giám sát thực thi công vụ, tiêu cực của các lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường bộ” – ông Chung đúc rút.