Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế

(PLVN) -Để công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật thời gian tới đạt hiệu quả hơn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra với các Bộ, ngành, địa phương đó là nâng cao năng lực, tăng cường vai trò và hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế.

Cán bộ pháp chế được đào tạo chính quy, bài bản 

Tính đến ngày 1/1/2020, cả nước có 8.546 cán bộ, công chức làm công tác pháp chế. Trong đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.173 người; các địa phương hiện có 80 phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có tổng số 2.242 người còn ở khối doanh nghiệp nhà nước có 1.801 người làm công tác pháp chế.

Qua kết quả rà soát cho thấy hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật đội ngũ cán bộ pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều được đào tạo chính quy, bài bản (gần 99% cán bộ, công chức làm nhiệm vụ xây dựng pháp luật có trình độ từ đại học trở lên), có kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm trong công việc.

Song, trong số này, đội ngũ người làm công tác pháp chế kiêm nhiệm tại các cơ quan, địa phương còn nhiều. Như ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, tình trạng kiêm nhiệm còn phổ biến do các Phòng pháp chế bị giải thể, đội ngũ này chuyển sang làm việc ở các bộ phận chuyên môn khác, không được bố trí làm chuyên trách.

Hàng năm, Bộ Tư pháp đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức liên quan tới công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), triển khai thi hành pháp luật cho cán bộ, công chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, Thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Bộ Tư pháp đã giao Trường ĐH Luật Hà Nội xây dựng riêng Chương trình hệ văn bằng hai đại học chính quy cho đối tượng người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật.

Tăng cường vai trò pháp chế Bộ, ngành, địa phương

Tuy nhiên, qua theo dõi, hàng năm có rất ít người đăng ký dự tuyển. Từ đó dẫn đến mức độ am hiểu và thành thạo trong quá trình thực hiện công việc nói chung và những nội dung như đánh giá tác động của chính sách, thẩm định văn bản, kỹ năng xây dựng và phân tích chính sách, những vấn đề liên quan đến thực hiện cơ chế phối hợp… vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, phần nào đã ảnh hưởng đến việc chuẩn hóa chất lượng của đội ngũ người làm công tác pháp chế ở Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Thời gian tới, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chú trọng. Do vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương cần ưu tiên tập trung cho công tác xây dựng pháp luật; rà soát hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Để làm tốt công tác này, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương; tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ này đáp ứng tiêu chuẩn của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ.

Tăng cường vai trò và hoạt động pháp chế các Bộ, ngành, địa phương trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và soạn thảo, ban hành văn bản; quan tâm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của văn bản để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn.

Nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo khung các lớp đào tạo văn bằng hai chuyên ngành luật cho đội ngũ người làm công tác pháp chế theo Quyết định số 290/QĐ-BTP ngày 6/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ pháp chế, đặc biệt là các kỹ năng thường xuyên sử dụng trong quá trình thẩm định văn bản, rà soát văn bản, kỹ năng xây dựng báo cáo thẩm định, kỹ năng tổng hợp ý kiến… 

Ngoài yếu tố về nguồn nhân lực, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần quan tới bố trí để đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật hàng năm theo đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL, Luật Ngân sách Nhà nước, Thông tư 388/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật… cùng các văn bản hướng dẫn khác. 

Đọc thêm