Chưa hiểu được rằng đuối nước rất nguy hiểm
Mới đây, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã trả lời báo chí về những vấn đề liên quan đến tai nạn thương tích đối với trẻ em nói chung và đuối nước trẻ em nói riêng. Về nguyên nhân dẫn đến tử vong đuối nước trẻ em, theo phân tích của Thứ trưởng Đào Hồng Lan có nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Việt Nam có hệ thống ao ngòi, sông hồ, đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam nên tiểm ẩn nguy cơ đuối nước cao. Bên cạnh đó, có những hồ ao, công trình do con người tạo ra nhưng không có rào chắn, cảnh báo an toàn cho trẻ. Nhận thức của gia đình, cộng đồng cũng như chính bản thân các em trong việc chủ động phòng ngừa đuối nước chưa cao. Chính vì thế vẫn còn có tư tưởng chủ quan hoặc sao nhãng, không có những kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng chống đuối nước, bơi an toàn để đảm bảo an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước, bơi an toàn trong môi trường nước chưa được như mong muốn. Công tác tuyên truyền chưa được đầu tư tương xứng nên gia đình, trẻ em chưa hiểu được rằng, đuối nước rất nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Và những lớp dạy kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, các kỹ năng phòng, chống đuối nước đưa vào giáo dục chính thức còn hạn chế.
Về Chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2016 – 2020 với mục tiêu đến năm 2020 có 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em và những nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ LĐ-TBXH với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước đây và thực hiện quyền trẻ em hiện nay đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 234/QĐ-TTg về Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2016 - 2020, Chỉ thị số 17 về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em để triển khai đến các bộ, ban, ngành và địa phương. Có thể nói, đây là văn bản rất quan trọng tạo sư đồng thuận từ trên xuống dưới, đến tận gia đình và chính các em có hành động thiết thực nhằm phòng, chống đuối nước.
Theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, để thực hiện được mục tiêu theo Quyết định 234, trong 2 năm qua từ 2016 - 2017 đã có nhiều hoạt động để triển khai, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ then chốt như: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gia đình, cộng đồng, thu hút sự quan tâm của hệ thống chính quyền các cấp, bộ, ban ngành trong việc phòng, chống đuối nước từ trung ương xuống tận người dân. Có thể nói, chưa bao giờ công tác tuyên truyền về phòng chống đuối nước được đưa lên cao như thời điểm từ năm 2016 đến nay. Qua đó, đã có sự chuyển biến về nhận thức phòng chống đuối nước trong gia đình. Rất nhiều phụ huynh đã quyết định thay vì cho con đi học thêm vào dịp hè đã đăng ký cho con đi học bơi để đảm bảo an toàn.
Xã hội hóa phòng chống đuối nước là cần thiết
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành để rà soát trách nhiệm, cũng như các nội dung trong nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em 2016 - 2020 liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và địa phương. Bộ LĐ-TB&XH với vai trò chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát việc phòng chống đuối nước, tăng cường công tác dạy bơi, đội ngũ huấn luyện viên dạy bơi cho trẻ em; rà soát môi trường sông nước khi tham gia giao thông đường thủy; đưa dạy bơi vào chương trình nhà trường để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên. Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực phối hợp với các địa phương triển khai Quyết định 234, đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước. Các địa phương có các mô hình phòng chống đuối nước triển khai xuống cơ sở. Đặc biệt, đã có nhiều địa phương bố trí nguồn lực để dạy bơi, học bơi, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt học bơi miễn phí; đầu tư cơ sở vật chất liên quan bể bơi, tạo bể bơi di động để tăng cường giáo dục kỹ năng học bơi cho các em.
Qua số liệu thống kê cho thấy, hơn 77% trẻ bị đuối nước ngay tại cộng đồng, trong đó, có tới 22% trẻ bị đuối nước ngay trong môi trường cạnh nhà, thậm chí các em bị đuối nước ngay trong nhà tắm do sự bất cẩn của bố mẹ, ông bà. “Vì thế, việc xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng cùng phòng chống đuối nước cho trẻ em rất cần thiết. Bởi việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trách nhiệm không chỉ riêng ai. Trong bối cảnh ngân sách dành cho công tác này còn hạn chế thì sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và gia đình để có thêm nhiều lớp dạy bơi, tuyên truyền về phòng, chống đuối nước là rất quý, cần phát huy. Đặc biệt, tại các huyện nghèo, huy động sự vào cuộc của cộng đồng rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho các em” – bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.