Nâng cao trách nhiệm địa phương trong hỗ trợ pháp lý

Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020…

Ngày 18/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020…

Phải biết lồng ghép

Để thực hiện quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai, yêu cầu các địa phương có huyện nghèo tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các chính sách hỗ trợ pháp lý.

Cùng với việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Quyết định số 52, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và phê duyệt kế hoạch triển khai Quyết định số 52 ở địa phương, UBND các tỉnh có huyện nghèo sẽ có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan lồng ghép các hoạt động thuộc chính sách hỗ trợ pháp lý để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Các UBND phải bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đi lại, làm việc và kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước đặt tại các huyện nghèo; dự toán bổ sung ngân sách địa phương và huy động, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý. Trong trường hợp không bảo đảm được phải kiến nghị giải pháp hỗ trợ với các cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, UBND các tỉnh có huyện nghèo cần tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý ở địa phương cũng như ưu tiên lựa chọn cán bộ tham gia các hoạt động tăng cường năng lực là người đang sinh sống tại địa bàn cơ sở, là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số; chú trọng cán bộ nữ, cán bộ có kinh nghiệm; thu hút già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng các tộc người tham gia làm Cộng tác viên TGPL.

Làm tốt báo cáo định kỳ

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Sở Tư pháp các tỉnh có huyện nghèo có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp tỉnh xây dựng Kế hoạch chung và Kế hoạch hàng năm thực hiện các hoạt động thuộc chính sách hỗ trợ pháp lý ở địa phương để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; trước ngày 31/7 hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý ở địa phương gửi về Bộ Tư pháp (qua Quỹ TGPL Việt Nam) trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ pháp lý và Kế hoạch triển khai ở địa phương.

Đặc biệt, Bộ Tư  pháp yêu cầu các Sở  Tư pháp tổng hợp và báo cáo Bộ định kỳ 6 tháng, 01 năm việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý ở địa phương và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 15/5 hàng năm, đối với báo cáo 1 năm gửi trước ngày 15/11 hàng năm.

Trong báo cáo định kỳ có những nội dung sau: Kết quả thực hiện các hoạt động; Tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách TƯ, ngân sách địa phương cho các hoạt động; Các khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra; Phương hướng thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý trong 6 tháng cuối năm (đối với báo cáo 6 tháng), phương hướng hoạt động của năm tiếp theo (đối với báo cáo 01 năm).

Riêng báo cáo đột xuất, thời hạn và nội dung sẽ được thực hiện theo công văn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thục Quyên

Đọc thêm