Nâng cao trách nhiệm phối hợp trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

(PLVN) -Chiều 31/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ về công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết nhằm chuẩn bị Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. 

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết sau khi điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại Kỳ họp thứ 8 sẽ trình Quốc hội thông qua 12 dự án Bộ luật, luật và dự thảo Nghị quyết như: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Thư viện, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)…

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại Kỳ họp thứ 9 sẽ trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật Thanh niên (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… Đồng thời cho ý kiến đối với 7 dự án luật như: Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Thỏa thuận quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính… Còn tại Kỳ họp thứ 10 sẽ trình Quốc hội thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến đối với 2 dự án luật. 

 

Về việc chuẩn bị các đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, đã có một số Bộ, cơ quan ngang Bộ gửi hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng luật cho Bộ Tư pháp . Đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, ông Tuyến cho biết còn 4 Bộ nợ ban hành 10 văn bản (9 Nghị định, 1 Quyết định) quy định chi tiết 5 luật đã có hiệu lực. Đối với các văn bản sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết đảm bảo chất lượng, tiến độ và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã lý giải cụ thể về những dự án đề xuất mới, những dự án điều chỉnh. 

Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Tư pháp trong thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Trần Văn Long cho biết trong đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, Bộ Tài chính đã gửi hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, Bộ Tài chính đang được giao xây dựng 1 Nghị định và 1 Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

 

Ngoài việc báo cáo về tình hình, tiến độ xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, đại diện các Bộ, ngành còn nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đại diện Ủy ban chứng khoán, vướng mắc chủ yếu hiện nay là việc các Bộ, ngành cho ý kiến góp ý còn rất chậm, không đúng thời hạn nên ảnh hưởng tới tiến độ trình và ban hành văn bản. 

Còn Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tư Long cho rằng tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết liên quan tới công tác cán bộ hiện nay (như phân loại, đánh giá cán bộ) còn chậm là do việc xây dựng các Nghị định của Chính phủ thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương còn chịu sức ép do nhiều vấn đề mới, mâu thuẫn với luật hiện hành.

 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phối hợp chặt với các Ủy ban của Quốc hội để chỉnh lý các dự án luật và có các quan điểm, lập luận chặt chẽ để có thể bảo vệ đến cùng các dự án luật đã trình. 

Còn Chương trình năm 2020, đối với 8 dự án luật trình Quốc hội thông qua và 7 dự án luật xin ý kiến, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị tốt các dự thảo, đảm bảo đúng tiến độ; họp ban soạn thảo, tổ biên tập đúng quy định; quan tâm lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động…

Đối với đề nghị đưa vào Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, Thứ trưởng cho biết hiện nay Bộ Tư pháp đã nhận được một số hồ sơ. Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần rà soát kỹ nhiệm vụ được giao, đặc biệt là cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp,  nâng cao chất lượng hồ sơ lập đề nghị, xác định rõ phạm vi điều chỉnh… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý cần tiếp tục làm rõ các nguyên nhân để áp dụng hiệu quả các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản chi tiết có chiều hướng ngày càng gia tăng như hiện nay. 

Đọc thêm