Trình bày Báo cáo triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật; tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2020), Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến về 2 dự án luật khác.
Như vậy, số lượng các dự án luật trình Quốc hội, UBTVQH từ nay tới cuối năm 2019 là rất lớn, trong đó có nhiều cơ quan phải phụ trách đồng thời 2 - 3, thậm chí tới 4 dự án. Theo ông Định, để có thể bảo đảm khối lượng lớn các công việc, yêu cầu đặt ra là Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức khác có liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm thực hiện mới hoàn thành được chương trình đề ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ đang đề nghị UBTVQH xem xét, bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội thêm 3 dự án, dự thảo luật, nghị quyết theo quy trình 1 kỳ họp. Đó là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, số lượng các luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, UBTVQH trong 6 tháng cuối năm 2019 là tương đối nhiều (16 dự án luật, pháp lệnh, chưa bao gồm 3 dự án đang đề nghị bổ sung vào chương trình). Trong khi đó, từ nay đến Kỳ họp thứ tám chỉ còn khoảng 3 tháng. Ngoài việc chuẩn bị các dự án này, các Bộ còn phải soạn thảo 16 dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Do đó, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020 là tương đối nặng.
“Để hoàn thành chương trình đề ra, Chính phủ đề nghị UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để bảo đảm thống nhất ngay từ đầu với các nội dung của dự án luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng thể chế, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu quản lý Nhà nước”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình; coi việc hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chủ động cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao. Các cơ quan, tổ chức cũng cần phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa để phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm tốt, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật.