Năng lực và năng lượng chuyển dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh, nguy hiểm, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế thế giới, khu vực trong đó có nước ta.
Đất nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn “bình thường mới”, khôi phục sản xuất những tháng cuối năm 2021.
Đất nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn “bình thường mới”, khôi phục sản xuất những tháng cuối năm 2021.

COVID-19 đã làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, tổ chức hoạt động kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao nội lực, chú trọng phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số...

Hiện nay, kinh tế thế giới đã và đang dần dần phục hồi, tăng trưởng trở lại nhưng còn chậm, không đồng đều, chưa thật sự vững chắc, còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch COVID-19; nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực tế phải thừa nhận rằng, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn, hết sức tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta; đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ta và tâm lý xã hội; cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta, trong đó có cả cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch.

Hiện nay, đất nước đang chuẩn bị bước vào giai đoạn “bình thường mới”, khôi phục sản xuất những tháng cuối năm 2021; tuy nhiên trạng thái này cũng rất mong manh. Chính vì thế Hội nghị Trung ương 4 đang họp tại Hà Nội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, xác định rõ quan điểm về phòng, chống dịch và phục hồi trong tình hình mới.

Mối đe dọa COVID-19 còn nguyên đó, nguy cơ khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu không thể xem thường nếu tính rằng, chi phí khổng lồ cho công cuộc chống dịch và những gói cứu trợ kinh tế và dân sinh lên tới hàng nghìn tỷ USD đã vắt kiệt ngân sách của không ít quốc gia. Tỷ lệ nợ công, nợ xấu tăng cao tạo thành “quả bom nổ chậm” treo lơ lửng trên đầu thế giới.

Đó là chưa kể những bất an xã hội, thiên tai cực đoan cùng các mối đe dọa phi truyền thống khác tiếp tục diễn ra với tần suất ngày càng mau, mức độ ngày càng khốc liệt và phạm vi ngày càng lan rộng. Sức mạnh của các quốc gia, trong đó có nước ta tùy thuộc vào sự chuyển dịch. Năng lực hóa giải hệ lụy do COVID-19 để lại, thay đổi để phát triển là nhiệm vụ nặng nề nhưng phải có lời giải.

Đọc thêm