Nâng Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng thành luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 12 năm thực hiện, Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng đã bộc lộ những hạn chế. Vì vậy, Bộ Quốc phòng sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước xây dựng Dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ với hệ thống pháp luật về quốc phòng, giải quyết những yêu cầu mới mà thực tiễn đặt ra, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Tên lửa, khí tài hiện đại của Quân đội.
Tên lửa, khí tài hiện đại của Quân đội.

Những thành tựu công nghiệp quốc phòng

Bộ Quốc phòng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng (CNQP). Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng BQP chủ trì Hội nghị. CNQP là bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng của thực lực và tiềm lực quốc phòng - an ninh của đất nước. Hiện nay, CNQP Việt Nam đã có bước phát triển ngày càng vững chắc.

Trung tướng Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP cho biết, CNQP được phân bố trên các địa bàn, hướng chiến lược với các cơ sở nghiên cứu khoa học, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của Tổng cục CNQP, Tổng cục Kỹ thuật và của các quân, binh chủng.

Các sản phẩm của CNQP ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng lên. Nhiều dự án trọng điểm nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng cũng đã và đang được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hướng tới phát triển nền CNQP Việt Nam hiện đại và lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn quan trọng của nền công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tổng cục CNQP hiện có hơn 600 cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và hàng nghìn kĩ sư được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước, có trình độ, kỹ năng và phương pháp công tác tốt, giàu kinh nghiệm, khả năng nghiên cứu, sáng tạo độc lập, tiếp thu và làm chủ công nghệ chuyển giao, là nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP.

Tổng cục có các dây chuyền sản xuất, sửa chữa vũ khí, dây chuyền sản xuất, sửa chữa khí tài, dây chuyền sản xuất đạn, ngòi, đồng bộ đạn, dây chuyền sản xuất các loại thuốc phòng, thuốc nổ, thuốc hỏa thuật và dây chuyền sửa chữa các loại đạn cao xạ, đạn pháo.

Cơ bản các sản phẩm quốc phòng đều do Tổng cục CNQP nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất; số ít sản phẩm được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.

Trong nhiệm vụ đóng tàu quân sự, những năm qua, các nhà máy đóng tàu đã đóng mới thành công các loại tàu quân sự như tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo tuần tiễu, tàu cứu hộ tàu ngầm.

Với năng lực đã được đầu tư, hiện nay các đơn vị đóng tàu quân sự có khả năng đóng mới các tàu tên lửa thế hệ mới, tàu chống ngầm, tàu mặt nước của Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư…; sửa chữa đến cấp vừa cho tàu ngầm Kilo 636; cải hoán, hiện đại hóa, sửa chữa lớn và đảm bảo kỹ thuật cho tàu hộ vệ tên lửa, tàu chống ngầm và các loại tàu mặt nước cho lực lượng chiến đấu và thực thi pháp luật trên biển.

Bên cạnh ưu tiên cho hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, Tổng cục CNQP đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh tế, duy trì năng lực sản xuất quốc phòng, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế cả nước, kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển và ven biển; đồng thời tham gia tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, nhiều sản phẩm kinh tế do các nhà máy của Tổng cục CNQP sản xuất có vị trí đứng vững trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu như: Vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, cơ khí, may mặc, điện tử, quang học...

Các tàu do Tổng cục CNQP sản xuất không chỉ phục vụ kinh tế trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước, như: Tàu cung ứng thuyền viên cho Tập đoàn DAMEN (Hà Lan), tàu cứu hộ tàu ngầm và tàu chở dầu cho Hải quân Australia, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cho Pháp, tàu công trình, tàu huấn luyện máy bay, du thuyền, tàu kéo cảng và nhiều sản phẩm tàu xuất khẩu đa dạng khác.

Trung tướng Trần Hồng Minh nhấn mạnh, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, toàn dân, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, ngành CNQP nước ta đang ngày càng phát triển vững mạnh. Việt Nam đã có tên trong danh sách các quốc gia có thể tự chủ trong việc sản xuất, sửa chữa các loại VKTBKT trang bị cho Quân đội.

Mô hình tàu cứu nạn tàu ngầm đa năng 927-Yết Kiêu và tàu chiến đấu của Quân chủng Hải quân.

Mô hình tàu cứu nạn tàu ngầm đa năng 927-Yết Kiêu và tàu chiến đấu của Quân chủng Hải quân.

Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng chưa phù hợp với các văn bản hiện hành

Pháp lệnh CNQP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26/1/2008 là văn bản có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện về tổ chức hoạt động CNQP từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở CNQP nòng cốt và cơ sở công nghiệp động viên; nâng cao tiềm lực CNQP.

Qua 12 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, về cơ bản, CNQP nước ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, từng bước hoàn thiện về tổ chức hoạt động CNQP từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở CNQP nòng cốt và động viên; tổ chức lực lượng CNQP được củng cố theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, gắn nghiên cứu thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa; năng lực của CNQP đã được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng được một phần quan trọng về nhu cầu trang bị mới và sửa chữa, bảo đảm VKTBKT cho Quân đội, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia; CNQP được xây dựng và phát triển, từng bước trở thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao, các bộ, ban, ngành, địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện về cơ chế chính sách để xây dựng và phát triển CNQP, như: cấp đất, các chính sách về thuế, thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh, trật tự, tạo điều kiện cho các cơ sở CNQP tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành có liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong đề xuất, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển CNQP, cùng nhiều quy định ưu tiên về thuế, thủ tục hải quan đối với hàng hóa, vật tư quốc phòng.

Tuy nhiên, Pháp lệnh CNQP cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: Nhiều quan điểm, chủ trương mới của Đảng về xây dựng và phát triển CNQP chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Pháp lệnh. Tiềm lực CNQP trong sản xuất VKTBKT góp phần xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại còn hạn chế. Số lượng cơ sở CNQP nòng cốt tuy nhiều nhưng chưa bố trí phù hợp tại các vùng miền, mức độ quy tụ còn mỏng; chưa thu hút được các tập đoàn lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động CNQP. Các cơ sở công nghiệp động viên còn ít, chưa đánh giá hết tiềm năng từng vùng, từng địa phương phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP nhằm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, một số quy định tại Pháp lệnh có những điểm chưa phù hợp và thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Phát triển nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện đại và lưỡng dụng

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, xây dựng và phát triển CNQP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là sự phát triển cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về quốc phòng - an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng và phát triển CNQP có liên quan trực tiếp đến việc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng nhiều khó khăn, phức tạp.

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, trong giai đoạn tới, CNQP Việt Nam cần được xây dựng và phát triển theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Trong đó tập trung kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu quả, phân bố phù hợp trên các vùng, miền; đầu tư nghiên cứu, sản xuất một số chủng loại vũ khí trang bị hiện đại; đẩy mạnh phát triển kinh tế; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu có chọn lọc mô hình CNQP của một số nước, vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

Khẳng định việc đầu tư xây dựng, phát triển CNQP trong thời gian tới tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho rằng, việc luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về CNQP là rất cần thiết. Do vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan để nghiên cứu, đề xuất kịp thời, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai toàn diện các quy định của Pháp lệnh CNQP và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời lập đề nghị xây dựng Luật CNQP bảo đảm thời gian, tiến độ, chất lượng.

Việc xây dựng Luật CNQP phải thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ với hệ thống pháp luật về quốc phòng, bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan; phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, bổ sung những quy định mới, bảo đảm tính kế thừa và phát triển của Pháp lệnh CNQP và các văn bản hiện hành.

Bộ Quốc phòng giao Tổng cục CNQP chủ trì, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật CNQP và các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Đọc thêm