Trước kia, dân cư trong làng 100% sống bằng nghề chài lưới, đàn ông đi biển buông chài kéo lưới, đàn bà ở nhà làm nội trợ, chờ chồng con đi biển về rồi nghiệm thu, phân loại chiến lợi phẩm” mang ra chợ bán. Một số sản phẩm họ giữ lại để chế biến khô cá, khô mực, làm nước mắm. Những ngày mưa gió, trong những ngôi nhà nhỏ lúp xúp ven biển, họ vừa đan lưới, vá lưới, vừa hát ru con hay ru lòng mình bằng những điệu ca buồn: “Ầu ơ… Sáng nam rồi lại chiều nồm/ Anh đi để lại bể buồn cho em…” Rồi thì: “Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình”.
Cuộc sống của những người dân làng chài Trung Thanh từ bao đời nay vẫn thế, lam lũ, vất vả, nghèo khó mà vẫn hiền hòa, bao dung như biển.
Thế rồi, như trong cổ tích, một ngày đầu tháng 6/2016, làng Trung Thanh bất ngờ được thay áo mới. Đó là khi dự án giao lưu mỹ thuật Việt Nam- Hàn Quốc được UBND TP Tam Kỳ và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc tổ chức. Dự án được thực hiện bởi các họa sỹ đến từ Hàn Quốc và các tình nguyện viên Việt Nam, sự hỗ trợ của người dân địa phương và các đơn vị khác của thành phố Tam Kỳ. Thông qua dự án mỹ thuật cộng đồng này, hy vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến với ngôi làng xinh đẹp ven bờ biển và đây sẽ trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt- Hàn.
Thực hiện trong thời gian từ 7-28/6/2016, bằng sự nỗ lực và đam mê, các họa sĩ đã thay áo mới cho ngôi làng. Làng chài Trung Thanh lột xác thành nàng tiên cá kiều diễm khoác tấm áo rực rỡ sắc màu, lung linh trong nắng biển.
Những cảnh sinh hoạt ngày thường như quăng chài kéo lưới, cảnh các bà các chị mua bán tôm cá, cảnh lũ trẻ tung tăng áo mới đến trường, cảnh các anh trai làng chơi bóng trên những sân bóng “dã chiến” ngay bãi biển, người lớn ngồi vá lưới… đều được tái hiện trong những bức tranh tường khổ lớn, khỏe khoắn rạng ngời.
Cả những hũ mắm- nghề truyền thống của dân miền biển bao đời nay âm thầm trầm mặc nơi góc bếp cũng được sơn màu rực rỡ, xinh tươi và cực kỳ sống động vô cùng.
Gần 100 ngôi nhà nhỏ trong làng được thay áo mới bằng những bức họa khổ lớn, mỗi bức một vẻ mười phân vẹn mười. Làng chài Trung Thanh từ đó được đổi tên mới là Làng bích họa Trung Thanh. Thu hút du khách, chủ yếu là thanh thiếu niên đến tham quan chụp ảnh. Nhiều người ngạc nhiên thú vị đến chỗ xúc động chia sẻ rằng có cảm giác lạc về vương quốc của tuổi thơ, được trở về miền cổ tích bên ngôi làng hiền hòa, xinh đẹp này. Mong rằng tới đây, “nàng tiên cá” chuyển mình làm du lịch bằng loại hình stay- home để du khách được trải nghiệm đúng cảm giác được sống, được đắm mình trong miền cổ tích.