Nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40% là thách thức lớn

(PLVN) - Việc sửa đổi, nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách từ 35 lên 40% là một thách thức lớn. Kết quả bầu cử có đạt được tỷ lệ quy định này hay không sẽ phụ thuộc vào sự tín nhiệm của cử tri.

Đây là những chia sẻ của ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin, tuyên truyền tại buổi họp báo về công tác chuẩn bị cho Ngày bầu cử diễn ra chiều 21/5.

Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND đã nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên 40%. Để thực hiện quy định của Luật, các cơ quan, tổ chức khi được Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) hướng dẫn đã rất chú ý để đảm bảo số lượng ứng cử viên. 

QH khóa XV chúng ta sẽ bầu ra 500 ĐBQH, với tỷ lệ 40% thì vào khoảng 200 ĐBQH chuyên trách. Việc chuẩn bị để có đủ số lượng ứng viên được chú ý ngay từ đầu khi thực hiện công tác lấy phiếu người ứng cử, các bước hiệp thương lựa chọn người ứng cử, công tác vận động, giới thiệu đại biểu Trung ương về ứng cử tại địa phương… nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, có đủ năng lực, trình độ để thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa phương, đảm bảo cử tri tín nhiệm bầu ĐBQH.

Tất nhiên, tỷ lệ khi sửa Luật đã nâng từ 35% lên 40% là một thách thức rất lớn. Các cơ quan, tổ chức đã chú ý lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn để đảm bảo đủ số lượng. 

Ông Hoàng Thanh Tùng tại buổi họp báo chiều 21/5.
 Ông Hoàng Thanh Tùng tại buổi họp báo chiều 21/5.

Thực tế, kết quả bầu cử có đạt được tỷ lệ 40% hay không tùy thuộc vào sự tín nhiệm của cử tri và tôi chưa thể nói trước được điều gì, phải đợi đến thời điểm công bố kết quả bầu cử”, ông Tùng cho hay.

Cũng tại buổi họp báo, ông Tùng thông tin về một số nội dung khác liên quan đến cuộc bầu cử năm nay. Theo đó, thời gian bỏ phiếu là từ 7h sáng đến 7h tối ngày 23/5, một số địa phương có thể bầu cử sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng hoặc có thể kết thúc muộn hơn nhưng không được sau 9h tối. 

Khi 100% cử tri trong danh sách đã đi bầu và trước 7h tối thì tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc để kiểm phiếu. Lý do ở chỗ nếu kiểm phiếu trước nghĩa là sẽ kiểm trước các khu vực bầu cử khác, kết quả kiểm phiếu có thể lộ, lọt ra ngoài, ảnh hưởng đến khu vực khác cùng đơn vị bầu cử. 

Vì thế, để đảm bảo tính khách quan, công bằng, đảm bảo quyền lợi của cử tri bầu cử những người thực sự xứng đáng làm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, không bị tác động bởi các yếu tố khác thì việc kiểm phiếu phải được thực hiện nghiêm túc.

Về việc thực hiện bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh, HĐBCQG có văn bản hướng dẫn, xử lý các vấn đề đặt ra, cùng với các cơ quan Chính phủ, Bộ Y tế theo thẩm quyền của mình để giải đáp các vướng mắc của địa phương để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng pháp luật, đảm bảo quyền của cử tri.

Tùy tình hình của từng địa phương, HĐBCQG đã hướng dẫn địa phương có địa bàn dân cư phải cách ly xã hội, phong tỏa, cử tri phải cách ly tập trung thì việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri phải tiến hành khẩn trương. Nếu có đông cử tri trong diện phải cách ly thì Tổ bầu cử, UBND cấp xã có thể thành lập hòm phiếu riêng hoặc không đông thì ghép số cử tri đó vào khu vực bỏ phiếu thích hợp trong đơn vị bầu cử.

HĐBCQG đã có nhiều văn bản như số 234, số 214, 225 để hướng dẫn chi tiết việc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, bố trí lối vào lối ra tại khu vực bầu cử, giãn cách 2m, thực hiện 5K, bố trí khu cách ly tạm thời đối với cử tri có dấu hiệu ho, sốt…, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đọc thêm