Trước đó, ngày 28/12/2014, NATO đã chính thức kết thúc sứ mệnh quân sự kéo dài 13 năm tại Afghanistan bằng một buổi lễ được tổ chức ở thủ đô Kabul. Tuy nhiên, bạo lực tái diễn làm dấy lên lo ngại rằng, sự can thiệp của lực lượng quốc tế tại Afghanistan đã thất bại khi mà quốc gia này vẫn phải đối mặt với vòng xoáy bạo lực đến từ các tay súng Taliban.
Vậy có hay không một “khoảng trống” về an ninh sau khi NATO rời đi…? Sự kiện này cũng đánh dấu việc kết thúc quá trình chuyển giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh của các lực lượng NATO cho các lực lượng Afghanistan, vốn đã tự đảm trách an ninh ở quốc gia này từ giữa năm 2013.
Cố vấn An ninh Quốc gia Afghanistan Hanif Atmar (phải) và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan James Cunningham ký Hiệp ước an ninh song phương tại Dinh Tổng thống ở Kabul ngày 30/9/2014 |
Theo kế hoạch, từ hôm qua – 1/1/2015, 28 quốc gia thành viên NATO và 14 nước đối tác sẽ tham gia sứ mệnh mới của liên minh tại Afghanistan với tên gọi “Hỗ trợ kiên quyết”. Sứ mệnh “Hỗ trợ kiên quyết” sẽ thay thế sứ mệnh của Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan được thành lập năm 2001 với hơn 140.000 binh sĩ và nằm dưới sự chỉ huy của NATO từ tháng 8/2003.
Theo đó, 12.500 binh sĩ thuộc ISAF tại Afghanistan do Mỹ đứng đầu sẽ không tham chiến trực tiếp mà chuyển sang sứ mệnh mới có nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ cho lực lượng an ninh của Afghanistan.
Tại buổi lễ, Chỉ huy lực lượng NATO tại Afghanistan, Tướng John Campbell hoan nghênh những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống phiến quân
Taliban tại Afghanistan, khẳng định NATO đã giúp Afghanistan mạnh mẽ hơn và khiến các nước thành viên an toàn hơn. Tướng John Campbell nói: “Ngày hôm nay đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và mở ra một kỷ nguyên mới. NATO đã hoàn thành sứ mệnh quân sự của mình, một sứ mệnh sau 13 năm đã mang lại những thành quả đáng kể và cùng với đó là cả những sự hy sinh lớn lao của hàng ngàn binh sĩ Afghanistan và liên quân”. Tuy nhiên, Tướng Campbell cũng phải thừa nhận con đường phía trước mặt vẫn còn nhiều thách thức và nguy cơ.
Trong một bước đi được nhìn nhận là “mang tính biểu tượng”, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tuyên bố chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của binh lính nước này tại Afghanistan: “Hôm nay chúng ta chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ này”. Tổng thống Obama thừa nhận, Afghanistan vẫn là một nơi nguy hiểm nhưng “hôm nay chúng ta an toàn hơn và nước Mỹ cũng an toàn hơn nhờ vào sự hy sinh của binh lính Mỹ”.
Tuy nhiên, buổi lễ phải tiến hành trong bí mật do lo ngại các vụ tấn công của Taliban, vốn diễn ra thường xuyên tại thủ đô Kabul trong những năm gần đây. Bạo lực tái diễn làm dấy lên lo ngại rằng, sự can thiệp của lực lượng quốc tế tại Afghanistan đã thất bại khi mà quốc gia này vẫn phải đối mặt với vòng xoáy bạo lực đến từ các tay súng Taliban.
Tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của NATO được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bạo lực và khủng bố |
Mỹ và NATO đã tiến hành sứ mệnh quân sự tại Afghanistan kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, sự kiện đã châm ngòi cho cuộc chiến nhằm lật đổ chính quyền do Taliban cầm đầu tại quốc gia Hồi giáo ở khu vực Tây Nam Á này.
13 năm qua kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu ồ ạt đổ quân vào quốc gia này, tổn thất mà NATO phải trả giá cho cuộc chiến là không nhỏ. Thế nhưng, thành quả liên quân đạt được trong cuộc chiến hao người, tốn của này không như mong đợi. Mỹ, quốc gia cung cấp số lượng lớn các binh sĩ cho NATO tại Afghanistan đã chi 61 tỷ USD để đào tạo một lực lượng an ninh với hơn 350.000 người nhằm chống lại sự bành trướng của phiến quân Taliban.
Cuộc chiến Afghanistan đã tiêu tốn của người đóng thuế Mỹ ít nhất 1.000 tỷ USD. Theo thống kê, cho đến nay đã có hơn 3.500 binh lính NATO, trong đó có khoảng 2.349 lính Mỹ, đã thiệt mạng tại Afghanistan, nhưng hai mục tiêu chính là xóa sổ Taliban và loại bỏ cây thuốc phiện tại đây đều chưa đạt được những kết quả khả quan.
Không ít nhà nghiên cứu châu Âu và Bắc Mỹ cho rằng, cuộc chiến chống Taliban về mặt quân sự xem như đã thất bại, bởi liên quân do Mỹ cầm đầu cùng NATO đã không thể xóa sổ Taliban như tham vọng ban đầu. Bằng chứng là sau 13 năm chiếm đóng Afghanistan, lực lượng này vẫn tồn tại như một thế lực đáng gờm. Vì thế, Mỹ đã phải thay đổi chiến lược.
Để ngăn chặn nguy cơ có thể biến Afghanistan thành một “Iraq mới” trước sự lớn mạnh của Taliban, Mỹ và Afghanistan đã đặt bút ký Hiệp ước An ninh song phương (BSA) vào ngày 30/9/2014. Bên cạnh đó, Afghanistan và NATO cũng ký Thỏa thuận về quy chế các lực lượng NATO (SOFA), cho phép các quốc gia thành viên của liên minh quân sự tiếp tục duy trì sự hiện diện của khoảng 2.000 binh lính tại quốc gia Nam Á này.
BSA và SOFA được ký kết giữa lúc quốc gia hơn 30 triệu dân đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các sắc tộc. Trong khi đó, Taliban ngày càng mở rộng hoạt động trên hầu khắp lãnh thổ Afghanistan. Trong bối cảnh đó, BSA cho phép khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ lưu lại Afghanistan và NATO tiếp tục được triển khai tại nước này thêm một thập kỷ sau lộ trình rút quân vào ngày 31/12/2014 để làm nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh nước sở tại cũng như ngăn chặn Taliban trở lại nắm quyền và sẽ rút hoàn toàn vào cuối năm 2016.
Sự kiện NATO chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan được coi là sự chuyển giao mang tính lịch sử, đã nhận được sự hoan nghênh tích cực từ Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani. Đây là bước đi quan trọng để nhà lãnh đạo Ghani đẩy nhanh lộ trình xây dựng một chính phủ đoàn kết. Cố vấn Tổng thống Afghanistan phụ trách an ninh quốc gia Mohammad Hanif Atmar đã đánh giá cao sứ mệnh của binh sỹ NATO tại Afghanistan: “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những người con đã hy sinh thân mình trên đất nước chúng tôi. Họ cũng là những người con của chúng tôi”.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan Zahir Azimi hoan nghênh việc các đơn vị lính thủy đánh bộ NATO chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan và tuyên bố Afghanistan sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm gìn giữ an ninh.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, liệu Afghanistan có lặp lại “kịch bản” của Iraq không khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời kỳ vận động tranh cử năm 2008 cam kết nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ rút quân khỏi hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Tháng 12/2011, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố chấm dứt cuộc chiến, rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq. Kể từ đó, Iraq rơi vào vòng xoáy bạo lực và nội chiến, buộc Washington vào tháng 8/2014 lại một lần nữa phải điều hàng nghìn quân và phát động chiến dịch không kích chống lại nhóm vũ trang “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, không chỉ ở Iraq mà ở cả Syria.
Với Afghanistan, tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của NATO được đưa ra trong bối cảnh Afghanistan vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi các cuộc tấn công bạo lực và khủng bố. Việc không còn binh sĩ nước ngoài trực tiếp tham chiến cũng như thiếu sự hỗ trợ của liên quân đang làm dấy lên mối quan ngại rằng, Chính phủ Afghanistan khó có thể đối phó với một Taliban đang ngày một mở rộng ảnh hưởng.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, riêng trong năm 2014, tổng số thường dân bị thiệt mạng tại Afghanistan có thể đã lên tới 10.000 người và số binh lính Afghanistan bị thiệt mạng cũng lên tới 5.000 người. Con số ấy cho thấy nguy cơ bất ổn sẽ leo thang khi liên quân, nhất là những đơn vị thiện chiến của NATO, rút khỏi Afghanistan, kết thúc sứ mệnh tại quốc gia Tây Nam Á này. Một “khoảng trống” về an ninh đã ngay lập tức đặt ra cho Chính phủ của tân Tổng thống Ashraf Ghani là một dự báo có thật./.