Theo AFP, theo gói biện pháp mới được NATO thông qua, NATO sẽ xem xét lại hệ thống phòng thủ trên không và tên lửa cũng như các chương trình tình báo và giám sát của liên minh, trừ khi Nga từ bỏ tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 của nước này trước ngày 2/8.
“Chúng tôi đã đồng ý về một loạt các biện pháp, bao gồm các biện pháp chính trị, biện pháp quân sự, tập trận, phòng thủ tên lửa, các biện pháp thông thường và bất kỳ biện pháp nào khác”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo sau một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO.
Theo Tổng thư ký NATO, một số trong các biện pháp mà liên minh đã nhất trí sẽ được triển khai trong dài hạn trong khi một số khác có thể thực hiện trong ngắn hạn.
Ông Jens Stoltenberg cũng cho rằng Nga vẫn còn cơ hội để cứu hiệp ước kiểm soát vũ khí có từ thời Chiến tranh Lạnh.
“Có một cánh cửa cơ hội. Thời gian không còn nhiều nhưng Nga vẫn có thể cứu được hiệp ước INF. Nếu họ không trở lại tuân thủ trước ngày 2/8 thì họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho sự sụp đổ của hiệp ước”, ông Stoltenberg nói.
Một số đồng minh châu Âu đang rất muốn tận dụng mọi khoảnh khắc cuối cùng để cố gắng cứu INF – hiệp ước vốn được coi là nền tảng của kiểm soát vũ khí toàn cầu. Song, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã đồng ý về việc chuẩn bị các biện pháp đối phó trong trường hợp nỗ lực cứu vãn thỏa thuận thất bại.
Một cuộc họp của Hội đồng NATO-Nga đã được triệu tập vào tuần tới như một nỗ lực cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận nhưng các chuyên gia cho rằng có rất ít kỳ vọng về việc Nga sẽ lùi bước, đáp ứng yêu cầu của NATO.
Mỹ và NATO cho rằng Nga đang vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Mỹ khi phát triển tên lửa 9M279.
Sau nhiều năm phàn nàn với Nga về tên lửa nói trên, Mỹ hồi tháng 2 vừa qua đã tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước INF vào ngày 2/8, trừ khi Nga từ bỏ tên lửa 9M279.
Về phần mình, Nga khẳng định tên lửa của nước này vẫn tuân thủ INF. Theo giới chức Nga, tên lửa hành trình 9M729 của nước này là phiên bản đã được hiện đại hóa của tên lửa 9M728.
Trung tướng Mikhail Matveyevsky - người đứng đầu đơn vị Tên lửa và Pháo binh của Nga - hồi đầu năm khẳng định tên lửa Novator 9M729 có tầm bắn tối đa 480 km – ngắn hơn 10 km so với 9M728 - có nghĩa là tên lửa này hoàn toàn tuân thủ hiệp ước INF.
Hôm 23/1 vừa qua, Nga cũng đã mời các tùy viên quân sự nước ngoài và các nhà báo tới tham quan hệ thống tên lửa hành trình 9M729 bị Mỹ tố vi phạm INF.
Hồi đầu năm nay, 29 nước thành viên NATO đã công khai ủng hộ đánh giá của Mỹ rằng tên lửa của Nga có khả năng vi phạm INF, theo đó cấm các tên lửa phóng từ mặt đất cso tầm phóng từ 500 đến 5.500 km.
Do tên lửa này được phóng từ bệ phóng di động nên NATO cho rằng tên lửa này rất khó phát hiện và có thể tấn công các thủ đô của các nước trên khắp châu Âu bằng đầu đạn hạt nhân trong vài phút, hạ thấp ngưỡng nguy cơ bùng nổ xung đột.