Né đấu giá, ngân sách…chịu thiệt

Mặc dù dưa luận đã lên tiếng về những khuất tất chuyện phân lô, bán nền cùng hàng loạt những dấu hiệu sai phạm của UBND huyện Càng Long trong việc “chiếm đất” của gia đình ông Dương Đăng tại ấp 7, xã An Trường, rồi “xẻ thịt” cấp cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, sự việc này đã không được các cơ quan chức năng huyện, tỉnh Trà Vinh vào cuộc làm rõ mà trái lại tiếp tục thực hiện việc phân lô, bán nền và quan trọng hơn cả là đang có dấu hiệu của việc cố tình vi phạm pháp luật ….

Mặc dù dưa luận đã lên tiếng về những khuất tất chuyện phân lô, bán nền cùng hàng loạt những dấu hiệu sai phạm của UBND huyện Càng Long trong việc “chiếm đất” của gia đình ông Dương Đăng tại ấp 7, xã An Trường, rồi “xẻ thịt” cấp cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, sự việc này đã không được các cơ quan chức năng huyện, tỉnh Trà Vinh vào cuộc làm rõ mà trái lại tiếp tục thực hiện việc phân lô, bán nền và quan trọng hơn cả là đang có dấu hiệu của việc cố tình vi phạm pháp luật ….

“Phớt lơ” công văn cấp trên

Thực tế, sau báo chí vào cuộc và gia đình bà Nguyễn Thị Sương (con dâu ông Dương Đăng) tố cáo, đã có hàng loạt ý kiến, văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước…gửi UBND tỉnh Trà Vinh về việc xử lý điểm vụ việc, trả lời cho công dân và có văn bản thông báo kết quả cho các cơ quan nói trên.

Mới đây nhất, ngày 22/7/2013, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có Công văn số 2818/TDTW về việc “tố cáo của bà Nguyễn Thị Sương”, chuyển đơn của bà Sương đến UBND tỉnh Trà Vinh để chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra rà soát, xem xét giải quyết nội dung tố cáo trả lời công dân theo luật định.

Trước đó, ngày 24/6/2013, Trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước đã có công văn số 2414/TPTW với nội dung tương tự. Trước hàng loạt văn bản từ các cơ quan Trung ương, UBND tỉnh Trà Vinh cho đến nay vẫn không hề có văn bản chính thức nào trả lời cho công dân và thông báo kết quả giải quyết về Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.n Trái lại, từ đầu năm đến nay, UBND huyện Càng Long liên tiếp tiến hành việc phân lô cấp đất cho người dân, lần phân lô cắm cọc mốc gần đây nhất là ngày 20/8/2013.

Thất thoát hàng tỷ đồng?

Trong buổi làm việc với Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Trà Vinh ngày 22/8 vừa qua, ông Nguyễn Phan Đức - cán bộ Văn phòng và là người phát ngôn của huyện Càng Long- cho biết: “Việc phân lô trên diện tích đất nêu trên là dành bố trí tái định cư cho những hộ dân đã ở ổn định tại đây từ trước năm 2004, chứ không bố trí cho người dân nơi khác. Việc này được thực hiện theo hình thức cấp đất cho dân có thu tiền”.

Tuy nhiên, trên thực tế những hộ dân ở đây chủ yếu là những người đến thuê ki ốt của UBND xã An Trường quản lý để kinh doanh. Phân tích về việc chia lô cấp đất cho những người dân của UBND huyện Càng Long, luật sư Phạm Đình Bắc - Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh - cho rằng: Việc làm này là trái với quy định của pháp luật. Thứ nhất, diện tích đất 6.300 m2 trên của gia đình ông Dương Đăng, được mua bán và có xác nhận của Hội đồng xã An Trường và nếu như nhà nước có thu hồi sử dụng vào việc chung hay quy hoạch dự án nào đó thì cần phải có quyết định cụ thể và đền bù cho dân theo luật đất đai.

Thứ hai, những người dân trong danh sách được UBND huyện Càng Long cấp đất đều là người thuê lại ki ốt của UBND xã có thu tiền để kinh doanh chứ không phải để ở. Theo Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định “không có trường hợp nào được xác định là hợp đồng thuê ki ốt chợ được xem là sử dụng ổn định lâu dài để được giao đất có thu tiền (hoặc không thu tiền nếu sử dụng trước ngày 15/10/1993) để được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất”. Do đó, UBND huyện Càng Long đã bị “nhầm” đối tượng cấp đất.

Không những vậy theo danh sách công khai các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất được UBND xã An Trường công bố ngày 28/6/2013, có đến 26 trường hợp được duyệt 1.789 m2 đất, nhưng có đến 5 người không có trong danh sách những hộ đã từng đến ở hay thuê ki ốt để kinh doanh trong khu vực đất trên.

Ngoài ra, trong danh sách và sơ  đồ kinh doanh ki ốt được UBND huyện Càng Long báo cáo tỉnh Trà Vinh ngày 3/8/2012, có đến 5/26 ki ốt đã được dỡ bỏ và người thuê đã di dời đi nơi khác nhưng vẫn được cấp đất. Ví dụ, trường hợp của Nguyễn Thị Trân Châu hiện đang học tại Cần Thơ và sống với mẹ tại tỉnh Vĩnh Long từ nhiều năm nay nhưng vẫn được cấp đất. Giải thích về trường hợp này, ông Nguyễn Phan Đức cho biết:

“Trước đây, Trân Châu ở cùng với cha và cha có thuê ki ốt tại đây để kinh doanh hiệu thuốc nhưng bố đã chết từ nhiều năm nay. Kể từ khi bố chết, Trân Châu chuyển về ở với mẹ nhưng giờ có đơn xin được cấp đất”. Thực tế, đến ngày 22/8 đã có 3/26 người trong danh sách được UBND huyện Càng Long cấp đất và có 2 người đã gấp rút xây nhà.

Đặc biệt, trong số người đã được cấp đất có trường hợp bà Nguyễn Thị Mãi, với diện tích cấp đất là 81,9m2, là con gái của Bí thư huyện Càng Long được UBND huyện giao đất ngày 31/7/2013 và đây là trường hợp duy nhất đã được cấp sổ đỏ, cấp phép xây nhà (?)

Vấn đề đặt ra là: Vì sao lại là ưu tiên cấp đất thu tiền mà không đưa ra đấu giá những lô đất trên và những ai được hưởng lợi? Ông Châu Minh Lý - Chủ tịch UBND xã An Trường - nói: “Nếu đem đấu giá thì những người trong danh sách cấp đất này sẽ không mua được”.

Ông lý cho biết, vào thời điểm năm 2009 UBND xã An Trường đã cho bán đấu giá hàng loạt lô đất ngay đối diện phía bên kia đường với giá thấp nhất là 3,2 triệu đồng/m2 và cao nhất là 3,6 triệu đồng/m2. Chỉ cần đem so sánh với giá 26 lô đất đã được UBND tỉnh Trà Vinh duyệt và cấp cho người dân thì giá cao nhất là 2,9 triệu đồng/m2 và thấp nhất 2,2 triệu đồng/m2 và như vậy chênh lệch thấp nhất là 700 nghìn đồng/m2, cao nhất là 1 triệu đồng/m2. Lấy khoản chênh lệch thấp nhất là 700 nghìn đồng/m2 nhân với tổng diện tích đất cấp đợt này thì đã làm thiệt hại so với đem đấu giá khoảng 1,25 tỷ đồng. Ngay như trường hợp của bà Nguyễn Thị Mãi được cấp với diện tích 81,9 m2, với giá được duyệt 2,9 triệu đồng/m2 (thấp hơn đấu giá năm 2009 là 700 nghìn đồng/m2) và như vậy bà Mãi đã hưởng chênh lệch đến hơn 57 triệu đồng/lô.../.

Đoàn Công

Đọc thêm