’Nên chuyển cứu trợ sang tiền mặt, vật liệu xây dựng’

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN liên quan đến những thông tin tại Nghệ An về việc quần áo ủng hộ cứu trợ bị chuyển đến gara ô tô để làm… giẻ lau.

Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với bà Hà Thị Liên, Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN liên quan đến những thông tin tại Nghệ An về việc quần áo ủng hộ cứu trợ bị chuyển đến gara ô tô để làm… giẻ lau.

- Bà có thể cho biết, đối với tiền, hàng cứu trợ do các nơi đóng góp, UBTƯMTTQVN và MTTQ các cấp xử lý như thế nào để đến được tận tay người cần?

- Thay mặt Ban cứu trợ Trung ương, Ban Thường trực UBTƯMTTQ, tôi xin cảm ơn tới mọi cá nhân, tổ chức trong nước và kiều bào đã có những hành động thiết thực để chia sẻ mất mát, đau thương với đồng bào miền Trung.

dggh
Đại diện Báo Pháp luật Việt Nam trao quà bằng tiền mặt cho người dân vùng lũ Ân Phú, Hương Khê - Hà Tĩnh.

Theo thống kê, đã có 562 lượt tổ chức, cá nhân đến với UBTƯMTTQ để ủng hộ 20 tỷ 344 triệu đồng, 2.000 đô la Mỹ và 4.000 cuaron Đan Mạch. Số hàng (chủ yếu là quần áo, sách vở, mỳ gói, gạo) cho đến thời điểm này chúng tôi nhận được là gần 50 tấn.

Riêng đối với hàng cứu trợ là quần áo, chúng tôi phải tháo dỡ bao bì, phân loại cẩn thận theo các tiêu chí quần áo trẻ con, người lớn, quần áo ấm, quần áo hè… sau đó mới đóng gói gửi đi; bởi không phải gia đình nào khi làm từ thiện cũng có đủ thời gian để sàng lọc số quần áo, nên cũng có những đồ không phù hợp như áo tắm, đồ quá rách, quá cũ không thể sử dụng. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, làm kỹ như vậy, đồ đến tay bà con sẽ sử dụng được ngay và cũng phần nào đỡ đi sự tủi thân của bà con, nếu như mình để sót những đồ quá cũ, hỏng, rách; số quần áo bị loại, chúng tôi sẽ lập biên bản để hủy.

Biến quần áo cứu trợ thành giẻ lau: Sẽ xem xét và xử lý thỏa đáng

Ngay sau khi vụ việc biến quần áo cứu trợ thành giẻ lau của Hội Chữ thập đỏ Nghệ An bị phát hiện, trả lời báo giới, ông Đoàn Văn Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết đây là sơ suất của cán bộ Hội Chữ thập đỏ Nghệ An, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Hội. Trung ương Hội và tất cả các cấp Hội nghiêm túc tiếp thu ý kiến phản ánh và nghiêm khắc rút kinh nghiệm để quà tặng của đồng bào được chuyển tới tận tay nhân dân vùng lũ với sự trân trọng và chia sẻ sâu sắc nhất. Đối với cán bộ sai phạm, yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Nghệ An xem xét xử lý thỏa đáng.  

Về vấn đề làm sao để tiền, hàng đến được tận tay người cần, hiện nay vì bận với đầu mối tiếp nhận ở đây nên chúng tôi đã chỉ đạo MTTQ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế tuân thủ nghiêm các quy định về tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn vận động cứu trợ đúng Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ, phải biết trân trọng những tấm lòng từ thiện dù là nhỏ nhất. Theo lịch trình, cuối tháng 11 này, UBTƯMTTQ sẽ có các đoàn trực tiếp đi vào các tỉnh trên để kiểm tra; Chúng tôi tuyệt đối không cho phép bất kỳ một sự sơ suất hay hành vi nào làm trái các quy định của Nhà nước về tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn vận động cứu trợ.

- Theo thống kê, số tiền và hàng đóng góp mà UBTUMTTQ nhận được cũng khá nhiều, nhưng hình như số lượng phân bổ đi mới chỉ là phần nhỏ; bà có thể cho biết lý do?

- Trong số hơn 20 tỷ đồng nhận được, chúng tôi đã phân bổ 17 tỷ 200 triệu đồng cho các tỉnh từ Nghệ An tới Thừa Thiên – Huế. Về hàng, đến nay đã chuyển được 11 tấn. Sở dĩ số hàng chuyển đi chưa nhiều là vì chúng tôi phải mất nhiều thời gian sàng lọc quần áo, mặt khác phương tiện vận chuyển (tàu hỏa) cũng có giới hạn về khối lượng. Sáng qua (5/11), chúng tôi đã làm việc lại với ga Hà Nội để tăng khối lượng vận chuyển mỗi lần lên 30 tấn/ ngày, nên chắc chắn số hàng sẽ được chuyển hết trong nay mai. Cũng trong ngày hôm qua, đoàn xe của UBTƯMTTQVN sẽ trực tiếp mang toàn bộ số lượng gạo và mỳ gói vào các tỉnh đang cần cứu trợ.

Nhân dịp này, tôi cũng xin có đôi lời với các nhà hảo tâm rằng, hiện lượng hàng hóa cứu trợ (chủ yếu là quần áo) theo báo cáo từ các địa phương bị thiên tai là đã tương đối nhiều. Trong công tác cứu trợ, sau giai đoạn cứu trợ khẩn cấp cứu đói, cứu rét sẽ là giai đoạn hỗ trợ có tính chất lâu dài để giúp người dân tái thiết lại cuộc sống.

Vì thế, chúng tôi tha thiết kêu gọi các nhà hảo tâm thay đổi hình thức ủng hộ sang tiền mặt hoặc các vật dụng thiết yếu như vật liệu xây dựng, công cụ lao động, giống, phân bón…để giúp đỡ cho những người dân bị nạn nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất.

- Xin cảm ơn bà!

 Xuân Hoa (thực hiện)

Đọc thêm