Nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự?

(PLO) - Trước thực tế tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) và tăng mức hình phạt để trừng trị tội phạm, nâng cao tác dụng giáo dục phòng ngừa.   

Với tinh thần nhân đạo, nhân văn sâu sắc, Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã dành hẳn một chương riêng quy định về việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Có thể tóm tắt một cách khái quát: “Nếu trẻ dưới 14 tuổi phạm vào một tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ phải đi học tập cải tạo tại các trường giáo dưỡng. Trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, và mức án cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, nhưng mức án cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù”. 

Chính vì được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng mà bị cáo Lê Văn Luyện sát hại 3 người nhưng vì khi phạm tội 17 tuổi nên chỉ phải lãnh mức án “kịch khung” là 18 năm tù. Phía sau các bản án đã tuyên, dư luận cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo vị thành niên chưa tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trẻ hóa tội phạm có ngày càng gia tăng. 

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến băn khoăn nên chăng phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời tăng mức hình phạt để trừng trị tội phạm và nâng cao tác dụng răn đe phòng ngừa? Theo đó, sửa đổi, bổ sung BLHS tới đây cần phải cân nhắc, xem xét tình hình thực tế hiện nay của Việt Nam để giảm độ tuổi chịu TNHS của người chưa thành niên phạm tội hoặc xử lý nghiêm khắc hơn đối với những trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để nâng cao tác dụng trừng phạt, răn đe.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại đa số các quan điểm cho rằng, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, ngoài trừng trị tội phạm thì mục đích chủ yếu của chính sách hình sự này là cảm hóa giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bởi vậy, nhà trường, gia đình và xã hội phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi người dân nói chung và trẻ em nói riêng. 

Phải thừa nhận rằng xã hội càng phát triển kéo theo mặt trái của nó là tội phạm ngày càng trẻ hóa và gia tăng. Không chỉ những thiếu niên sống trong môi trường gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” mới phạm tội mà ngay cả những trẻ sống trong gia đình hạnh phúc, được ăn học đầy đủ cũng vẫn sa vào tội phạm nếu tự bản thân họ không biết rèn luyện tu dưỡng, cũng như cha mẹ buông lỏng quản lý, giáo dục. Bởi vậy, biện pháp hữu hiệu nhất là cần phải đề cao vai trò phòng chống tội phạm ngay từ trong gia đình, đây cũng chính là biện pháp phòng chống tội phạm hiệu quả nhất. 

Theo một chuyên gia về tội phạm học, việc trẻ hóa tội phạm trong thời gian gần đây, phần lớn là do cách giáo dục chưa đến nơi đến chốn. Bởi vậy các gia đình, đoàn thể, cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách, pháp luật cho con em mình. Hiểu biết pháp luật để chấp hành đúng, đó mới là biện pháp hữu hiệu nhất để tự bảo vệ mình. 

Đọc thêm