Nên ứng xử thế nào với du khách Trung Quốc?

(PLO) - Thời gian qua, thị trường du lịch miền Trung, đặc biệt Đà Nẵng ghi nhận rất nhiều hình ảnh phản cảm về du khách Trung Quốc. Những hiện tượng như đốt tiền Việt, hướng dẫn viên “chui” và xuyên tạc lịch sử Việt Nam, hành xử thiếu văn hóa… đã tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận, trên các diễn đàn, mạng xã hội. 
Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày một tăng

Tuy nhiên, có một góc nhìn khác, cũng phải thừa nhận thị trường khách du lịch Trung Quốc mang lại nguồn thu lớn cho Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng.

“Rộ” khách Trung Quốc thiếu văn hóa, xuyên tạc

Ngày 4/7, trên trang facebook cá nhân của nhạc sỹ Nguyễn Duy Khoái (Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đăng tải đoạn clip nới về nhóm khách Trung Quốc có hành xử thiếu văn hóa đối với một phụ nữ bán chuối tại Đà Nẵng. 

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên các du khách Trung Quốc có hành vi ngang ngược, cư xử thiếu văn hóa xảy ra trên địa bàn. Trước đó, tối 14/5, tại quán bar TV Club (đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu) cũng xảy ra vụ việc khách Trung Quốc châm lửa đốt tờ tiền Việt Nam mệnh giá 200.000 đồng trước ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều người Việt Nam. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng lập tức vào cuộc; Sở Du lịch cũng đã kiểm tra và tước giấy phép hoạt động 9 tháng của công ty lữ hành liên quan. Tuy nhiên, nhóm người này không thể xử lý vì xuất cảnh về nước. 

Đặc biệt, mới đây, việc phát hiện hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động “chui”, thậm chí ngang nhiên giới thiệu xuyên tạc lịch sử Việt Nam cũng đang tạo ra làn sóng phẫn nộ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Vì thế, clip như “mồi lửa” “châm” thêm bức xúc và phẫn nộ của người dân về hiện tượng du khách Trung Quốc thời gian qua. 

Anh Lê Văn Minh, một quản lý nhà hàng trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà) lắc đầu ngao ngán: “Vẫn biết khách hàng là thượng đế nhưng cách cư xử thiếu văn hóa của một số khách Trung Quốc khiến chúng tôi ngán ngẩm. Nhiều lúc họ kéo cả một đoàn gần chục người đến, chỉ ăn có vài con hải sản nhưng lại hò hét làm ảnh hưởng đến những người khác. Không chỉ vậy, có nhóm còn bắt tôm cua lên rồi lại thả xuống ầm ầm làm hư hại hết… Bực hơn, nhiều lúc họ nhất quyết thanh toán bằng tiền Nhân dân tệ, chúng tôi kiên quyết không nhận, họ lại tỏ thái độ rất khiếm nhã, mất lịch sự…".

Không chỉ có du khách mà chính người Trung Quốc đang làm việc và sinh sống ở Đà Nẵng cũng vi phạm. Thời gian qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã xử phạt 78 trường hợp người nước ngoài mà trong đó chủ yếu người Trung Quốc đã hết thời hạn tạm trú nhưng không đến gia hạn.

Không chỉ Đà Nẵng, phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng đang “đau đầu” với khách du lịch Trung Quốc. Ngày 6/7, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, ngay trong ngày, lãnh đạo Hội An sẽ có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam để đưa ra những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng “thuyết minh sai lệch về các giá trị văn hóa, lịch sử” của hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc.

“Lượng khách Trung Quốc đến Hội An hiện nay rất đông, tại khu du lịch Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh) nóng nhất tình trạng khách Trung Quốc tổ chức đua thúng gây ồn ào, mất trật tự và làm ảnh hưởng đến các khách du lịch khác. Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý rất nhiều trường hợp du lịch “chui”, tuy nhiên chỉ phạt được những hãng lữ hành chứ không có cơ sở để xử lý khách…”, ông Sơn nói.

“Hãy để họ về nhà túi rỗng”

Tuy nhiên, với những người làm du lịch, họ luôn có góc nhìn mang tính chiến lược hơn. Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Furama resort cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, du khách Trung Quốc tới Việt Nam là 1.204.560 khách, chiếm đến 25% tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam, nếu cộng cả Hong Kong và Đài Loan, số đó sẽ là 1.463.365 người, chiếm 31% tổng số khách nước ngoài tới Việt Nam.

Nếu nói về tăng trưởng, số khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 21,3 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng đến 48%, khách Hong Kong tăng đến 228% và khách Đài Loan tăng đến 15%. Vậy có thể nói, nếu không có sự tăng trưởng của thị trường nói tiếng Trung Quốc này, khách du lịch đến Việt Nam không hề có sự tăng trưởng. 

Chỉ tính riêng hai thành phố biển lớn nhất Việt Nam là Đà Nẵng và Nha Trang, khách Trung Quốc bằng cả lượng khách quốc tế khác cộng lại. Đặc biệt là Nha Trang, 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách Trung Quốc đã tăng đến 5 lần so với cùng kỳ năm 2015. “Để phản ánh về đối tượng khách du lịch tới các thành phố này, có thể nói nôm na: “Ở đâu cũng có khách du lịch Trung Quốc”, ông Quỳnh đúc kết.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng dẫn giải thêm, không chỉ ở Việt Nam, Thái Lan năm 2015 đón tới 7.934.700 khách Trung Quốc, tăng trưởng đến 91,62%, chiếm tới khoảng 27% so với tổng số khách du lịch trong năm 2015. Còn Nhật Bản, đã đón tới 2.494.200 khách Trung Quốc chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tới 46,30%, chiếm hơn 26% so với tổng số khách đến. 

“Vậy có nên để ngần đó khách du lịch Trung Quốc đi các nước khác và Việt Nam lấy phần còn lại của thế giới. Câu trả lời là không thể”, ông Cường nói.

Trong khi đó, ông Quỳnh cho rằng, Việt Nam đang trở nên không đẹp ở trong mắt người các châu Âu, Úc, Mỹ hay cả nhiều nước châu Á. An toàn thực phẩm bị đe dọa, thảm hoạ cá chết hàng loạt, đi xe xe bị tai nạn, ngủ tàu tàu đắm, ăn trên thuyền bị lật thuyền, cướp giật tràn lan không thể kiểm soát, các chính sách thúc đẩy khách du lịch không nhất quán và chậm trễ.

Ai đó có thể tự hào, số lượng khách thị trường truyền thống đến Việt Nam có sự tăng trưởng, mặc dù rất nhỏ khoảng 11-15%, nhưng với lượng khách tới Việt Nam quá ít, sự tăng trưởng này như muối bỏ biển. Ví dụ 6 tháng đầu năm nay, khách Mỹ tới Việt Nam chỉ 292.960, khách Pháp vốn có mối lương duyên lịch sử với Việt Nam cũng khoảng 124.021, khách Đức 86.871... Lượng khách này suy cho cùng cũng chỉ bằng số lẻ của khách Trung Quốc. Nói như vậy để thấy, muốn có nguồn thu cao hơn về du lịch, phải chấp nhận thị trường này.

Ông Quỳnh phân tích, cái yếu của chúng ta là không chuẩn bị sẵn sàng một chiến lược, một kế hoạch hành động để đón thị trường Trung Quốc và cần phải phi chính trị nó. Cần phải làm tất cả để cho khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều khi đi du lịch Việt Nam, chứ không phải chỉ khoảng 790 USD cho cả chuyến đi, chỉ bằng 40% so với mức chi tiêu trung bình của họ trên thế giới.

Ngoài ra, hãy học Nhật Bản, họ có cả một nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc để doanh thu du lịch của khách Trung Quốc chiếm 40% tổng doanh thu du lịch; mỗi khách Trung Quốc tiêu trung bình 2.750 USD, cao hơn rất nhiều so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch khác tới Nhật Bản. Còn hàng xóm của chúng ta - Thái Lan, đã khiến mỗi du khách Trung Quốc tiêu đến 1.300 USD/ chuyến đi. 

“Hãy để họ trở về nhà rỗng túi. Hãy chiến thắng ở trên chính đất nước mình”, ông Quỳnh chốt lại vấn đề.

Phạt hành chính 6 người Trung Quốc

“Liên quan đến việc hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” tại Đà Nẵng, mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 người Trung Quốc vì vi phạm các quy định về nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Theo quyết định, mỗi cá nhân vi phạm sẽ bị phạt mức 20 triệu đồng/người. Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu các cá nhân người Trung Quốc trên phải nghiêm chỉnh chấm hành quyết định xử phạt. Các cá nhân không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành và sẽ bị trục xuất.

Để họ chi nhiều hơn 790 USD/chuyến khi đến Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Furama resort, cái yếu của chúng ta là không chuẩn bị sẵn sàng một chiến lược, một kế hoạch hành động để đón thị trường Trung Quốc và cần phải phi chính trị nó. Cần phải làm tất cả để cho khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều khi đi du lịch Việt Nam, chứ không phải chỉ khoảng 790 USD cho cả chuyến đi, chỉ bằng 40% so với mức chi tiêu trung bình của họ trên thế giới.

Đọc thêm