Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - sức mạnh nội sinh góp phần phát triển và bảo vệ Tổ quốc

(PLVN) - Văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành Văn hóa, mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt của dân tộc, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dân tộc.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác VH,TT&DL năm 2021.

Để làm rõ hơn mệnh đề “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng về vấn đề này.

Theo đó, hai vấn đề này có mối quan hệ gắn bó với nhau. Điều này thể hiện ở chỗ chỉ khi nền văn hóa đạt đến “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì nền văn hóa đó mới có nền tảng “trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Trên thực tế, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được đề cập trong nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.

Trong đó, “tiên tiến” trong văn hóa trước hết là nền văn hóa yêu nước và tiến bộ, nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tất cả vì sự phát triển toàn diện của con người, trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tự nhiên và xã hội; tiên tiến thể hiện ở cả nội dung tư tưởng lẫn hình thức, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.

Còn “bản sắc văn hóa dân tộc” là các giá trị đặc trưng, tiêu biểu phản ánh diện mạo, cốt cách, bản chất riêng của nền văn hóa, là dấu hiệu cơ bản để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, đó cũng là tổng hòa các khuynh hướng sáng tạo văn hóa, được hình thành trong mối liên hệ thường xuyên với điều kiện kinh tế, môi trường tự nhiên, thể chế chính trị… trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Bản sắc văn hóa được thể hiện rõ trong truyền thống dân tộc, là các giá trị văn hóa tiêu biểu được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được khai thác và phát huy bồi đắp, tạo nên dòng chảy văn hóa của dân tộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Trên cơ sở đó, tính tiên tiến và bản sắc dân tộc hòa quyện, gắn bó hữu cơ trong các yếu tố cấu thành của nền văn hóa, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, vừa giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đảm bảo tính mở, tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại, phù hợp với mục tiêu, đặc điểm, truyền thống của đất nước trong quá trình đi lên CNXH.

“Sức mạnh nội sinh” của văn hóa nằm ở chiều sâu văn hóa của dân tộc, trong bề dày truyền thống của nó trong lịch sử, nuôi dưỡng tâm hồn và bồi dưỡng nhân cách, phẩm giá con người. Sức mạnh nội sinh của văn hóa được nhận biết từ các giá trị văn hóa, các sản phẩm văn hóa, khả năng tác động, ảnh hưởng, sự hướng dẫn của văn hóa đối với con người và xã hội, với cá nhân và cộng đồng, theo hệ giá trị phổ quát chân - thiện - mỹ.

Trong hội nhập quốc tế về văn hóa đòi hỏi Việt Nam phải có một bản lĩnh văn hóa mạnh. Vì nếu thiếu sức mạnh sẽ dễ rơi vào tình trạng tự đánh mất truyền thống, giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mất văn hóa là mất tất cả. Nội sinh có mạnh và bền vững thì trong hội nhập mới tiếp nhận được ngoại sinh một cách có chọn lọc, để ngoại sinh thâm nhập vào nội sinh theo chiều hướng tích cực, phát triển chứ không phải lấn át, làm suy yếu nội sinh.

Để phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa vào sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập hiện nay, dựa trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta cần lưu ý ở mấy điểm sau:

Cần xác định rõ cái đích thực, chân giá trị của văn hóa thì mới nhận biết rõ sức mạnh nội sinh văn hóa mà ta cần giữ gìn, phát huy và vận dụng sáng tạo trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể; Những giá trị truyền thống chứa đựng sức mạnh nội sinh của văn hóa phải được nuôi dưỡng, phát huy trong thời hiện đại. Kết hợp truyền thống với hiện đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là phương thức, con đường để các giá trị văn hóa mang sức mạnh nội sinh vào trong phát triển, hiện đại hóa đất nước; Chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu thêm văn hóa dân tộc và hội nhập với văn hóa thế giới; Quảng bá và truyền dẫn văn hóa dân tộc vào đời sống văn hóa thế giới, góp phần hội nhập quốc tế vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển; giải quyết mối quan hệ giữa con người và văn hóa bởi mỗi cá nhân, cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo văn hóa; Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ để họ khởi nghiệp sáng tạo, sống có lý tưởng, có đạo đức, có nghị lực, có bản lĩnh đưa đất nước tới phát triển, văn minh, hiện đại, tạo dựng đời sống xã hội, môi trường xã hội lành mạnh, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi những tha hóa và phản văn hóa trên các trụ cột: Dân chủ, công bằng, bình đẳng, tự do, sáng tạo. Giáo dục tình thương - kỷ cương - trách nhiệm - tự trọng, tự tin, vị tha, nhân ái, bao dung cho con người Việt Nam từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cho toàn dân, dựng nước gắn liền với giữ nước.

- Trong thời kỳ hội nhập, văn hóa phải được coi là “sức mạnh mềm” của đất nước. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm thế nào để giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” này trong quá trình phát triển và hội nhập?

- Muốn văn hóa Việt Nam thực sự trở thành “sức mạnh mềm” của đất nước, tôi cho rằng, cần phải xác lập được lộ trình xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần chuyển hóa được nguồn di sản văn hóa vô cùng dồi dào, phong phú của đất nước, những giá trị văn hóa tốt đẹp thành các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có khả năng hấp dẫn, thu hút thế giới đến với Việt Nam thông qua du lịch văn hóa, thông qua truyền thông quảng bá, giao lưu văn hóa, xúc tiến thương mại văn hóa, để đó từng bước định hình hình ảnh quốc gia, văn hóa, con người Việt Nam một cách tích cực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam cũng cần hướng tới việc xây dựng một chiến lược tổng thể về phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa với các cấp độ mục tiêu. Trước hết, ở cấp độ mục tiêu khái quát, xây dựng cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nhằm: Thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ chủ quyền văn hóa; Xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia; Gia tăng sức hấp dẫn văn hóa; Thu hút thế giới đến với Việt Nam; Quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới; Nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia của các ngành công nghiệp văn hóa; Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thứ hai, ở cấp độ cụ thể hơn, chiến lược chia các mục tiêu dài hạn này thành các kế hoạch trung và ngắn hạn nhằm từng bước đưa tới thành công cuối cùng. Theo đó, Việt Nam cần phải bắt đầu với sự tính toán rõ ràng về các nguồn lực tài nguyên mềm văn hóa có sẵn và hiểu biết về chúng ở các cấp độ ưu tiên khác nhau tùy thuộc vào tình hình thực tiễn, từ đó đi đến quyết định lựa chọn nguồn lực nào vào các kênh truyền dẫn ra sao cho phù hợp nhằm tạo nên sự chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” văn hóa của Việt Nam trong tầm nhìn ngắn hạn, hoặc dài hạn.

- Nhận thức về văn hóa pháp luật là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa. Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật như thế nào nhằm tạo môi trường thể chế thuận lợi giúp văn hóa phát triển, thưa ông?

- Phát triển công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia là những nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 cũng như Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021. Muốn thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung chính sách, pháp luật theo hướng tạo môi trường thể chế thuận lợi giúp văn hóa phát triển, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới thông qua các giải pháp cụ thể như:

Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát huy tiềm năng sức sáng tạo và bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa…; Hoàn thiện cơ chế, chính sách có trọng tâm, trọng điểm như đề xuất hỗ trợ ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê và cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ chế, chính sách về hợp tác công tư trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; hoàn thiện cơ sở pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan; Phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp hóa, nghiên cứu, tiến hành đánh giá định kỳ thực trạng nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa; từ đó đề xuất xây dựng kế hoạch đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào quy trình sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa, như sáng tạo, sản xuất; truyền bá, phân phối; tiêu dùng, hưởng thụ; lưu trữ, bảo quản; giáo dục, đào tạo…;

Thu hút và hỗ trợ đầu tư cho văn hóa, phân bổ và sử dụng nguồn đầu tư công để xây dựng các cơ sở hạ tầng về công nghiệp văn hoá, huy động nguồn vốn xã hội hóa để hình thành các không gian văn hóa sáng tạo, hỗ trợ và đỡ đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo về văn hoá, nghệ thuật; huy động các nguồn vốn từ nước ngoài thông qua các dự án và tổ chức quốc tế hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; Phát triển thị trường văn hóa, tạo mạng lưới giữa các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với các mạng lưới sáng tạo quốc tế; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế để tạo dựng thương hiệu có uy tín, đặc biệt là các thương hiệu của 5 ngành công nghiệp văn hoá; Chú trọng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan…

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!