Nét đẹp trong tập quán về bồi thường của người Êđê

(PLO) - Việt Nam có 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ với tổng dân số hơn 90 triệu người. Với số lượng các dân tộc phong phú như vậy, phong tục, tập quán cũng song song trường tồn và có những nét riêng đa dạng, phản ánh bản sắc dân tộc khá rõ, được áp dụng giải quyết những tranh chấp trong cộng đồng dân cư. 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet

Chỉ nói riêng tập quán về bồi thường, dân tộc Êđê ở Tây Nguyên đều có luật tục. Những quy định của luật tục Êđê về bồi thường thiệt hại có đặc điểm chung là người gây thiệt hại là người có trách nhiệm bồi thường; mức bồi thường cũng căn cứ vào hình thức lỗi của người gây thiệt hại. Ngoài khoản bồi thường vật chất, người gây thiệt hại còn phải thực hiện những nghi lễ nhất định để chuộc lỗi; bồi thường thiệt hại cũng theo nguyên tắc toàn bộ và kịp thời. 

Với thiệt hại về hoa màu, Điều 226 luật tục Êđê quy định, gia súc “ăn ít khóm thì đền, ăn ít lá thì phải làm một lễ hiến sinh từ lợn trở lên, nếu ăn trụi mùa màng thì phải thay thế”. Luật tục Êđê còn quy định về trách nhiệm do gây thiệt hại về tài sản và mức bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do con người gây ra gồm đốt rẫy cháy lan sang rẫy của người khác, đánh thuốc độc bắt cá suối, không chăm sóc trâu bò bị dịch, trâu bò bị dịch không thông báo, gây hại do cháy rừng, không tắt lửa nhà mình mà gây thiệt hại, gây thiệt hại về gia súc, gia cầm cho người khác, thả rông trâu, bò khi chưa đến mùa, giết gia súc trong vườn, rẫy của người khác. Những thiệt hại do con người gây ra được xác định dựa trên các yếu tố lỗi. Lỗi của người gây thiệt hại về tài sản phần nhiều là lỗi vô ý. 

Cũng theo luật tục Êđê, chủ sở hữu gia súc phải bồi thường thiệt hại do gia súc của mình gây ra. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là ngang giá. Người có gia súc gây thiệt hại cho người khác về sức khỏe, tính mạng, tài sản còn phải chịu trách nhiệm bằng một số tài sản khác, ngoài khoản bồi thường thiệt hại thực tế.

Những quy định của luật tục Êđê về bồi thường thiệt hại do gia súc gây ra cũng dựa trên yếu tố lỗi của chủ sở hữu và trong một số trường hợp chủ sở hữu của gia súc cho dù không có lỗi cũng phải bồi thường, vì gia súc đó thuộc quyền sở hữu của mình. Đáng chú ý, luật tục Êđê có tính đến trường hợp riêng biệt mà chủ sở hữu gia súc được miễn bồi thường: “Trâu, bò mùa khô, chúng muốn đi đâu, chúng đi; chúng muốn đi lang thang đâu đó, chúng đi. Nếu chúng húc nhau đến chết cũng mặc, không phải đưa nhau ra xét xử, cứ đem chúng ra thui mà ăn”.

Thiệt hại trên nằm ngoài sự kiểm soát của con người, coi là sự kiện bất khả kháng, người có gia súc gây thiệt hại không phải bồi thường. Tuy nhiên, nếu gia súc gây thiệt hại đến sức khỏe của người khác, cho dù chủ sở hữu không có lỗi nhưng cũng phải bồi thường: “Nếu trâu, bò hung dữ báng chết một người thì chủ sở hữu của nó phải bồi thường; còn con vật bị giết thịt làm vật hiến sinh cúng cho người chết”. Nếu người bị báng chỉ bị thương thì chủ của gia súc phải bồi thường theo thiệt hại xác định được: “Nếu vết thương nhẹ, khoản bồi thường sẽ ít; nếu vết thương nặng, khoản bồi thường sẽ nhiều”.

Đánh giá luật tục Êđê quy định về người phải bồi thường, mức bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, các chuyên gia đều cho rằng, chúng phù hợp với những quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại. Cụ thể ở những điểm sau: trâu, bò trong mùa phải chăn giữ, nếu chúng hăng máu đấu nhau mà bị chết, bị què hay bị đui thì cũng không có chuyện gì phải đưa ra xét xử; nếu do lỗi của chủ sở hữu trâu bò, do thiếu sự quản lý, chăn dắt mà để trâu bò của mình gây thiệt hại cho trâu, bò của người khác thì phải bồi thường ngang giá với thiệt hại (Điều 223 luật tục Êđê); trâu, bò làm bị thương người khác thì chủ sở hữu của trâu, bò phải bồi thường và bồi thường các khoản thiệt hại khác về tài sản xác định được; gia súc phá hoại hoa màu của người khác, chủ sở hữu gia súc phải bồi thường. Khi áp dụng luật tục này vào giải quyết những tranh chấp trong thực tế đã mang lại hiệu quả cao. 

Đọc thêm