Ninh Thuận đổi mới phương thức làm việc, lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Ninh Thuận đã và đang tiến hành chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng ứng dụng hiệu quả công nghệ số, ưu tiên cắt giảm chi phí cũng như sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ “Make in Việt Nam” tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ninh Thuận đổi mới phương thức làm việc, lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã ban hành công văn số 08 /CT-UBND về việc phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Chủ tịch tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương trực tiếp chủ trì, lãnh đạo cũng như chủ động xây dựng, hoàn thiện và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Đồng thời, Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm “Nhận thức đóng vai trò quyết định; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; nền tảng số là đột phá; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số”.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận

Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị nhà nước sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trong đó chú trọng rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thời gian, phí, lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tổ chức kết nối, tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng yêu cầu trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đối với cấp tỉnh, huyện, xã.

Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong văn bản điện tử, cùng các nền tảng trí tuệ nhân tạo để truyền thông trên các nền tảng số theo phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận và dễ lan tỏa” nhằm giúp người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, thanh toán điện tử trên các nền tảng số, từng bước hình thành công dân số.

Đặc biệt, các Sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số để trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, phục vụ và cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không gắn với địa giới hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Lấy kết quả thực hiện chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu. Chuyển đổi số trong thời gian tới phải đạt được mục tiêu có sự chuyển biến tích cực, tạo bước đột phá, nâng kết quả xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh lên đạt mức khá trở lên từ năm 2023.

Trước đó, tỉnh Ninh Thuận đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau (bao gồm cả thiết bị di động); 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm… được hoàn thành và kết nối, chia sẻ vào hệ thống quốc gia; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chính quyền số là 95%; phấn đấu đưa tỉnh thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển chính quyền số.

Đọc thêm