Vướng mắc nhiều về đất rừng
Báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng (Ban chỉ đạo), được tổ chức ngày 16/2, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến thời điểm này, tất cả các Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của pháp luật. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc ký hợp đồng và triển khai các gói thầu, chỉ còn 4 gói thầu đang hoàn thiện thủ tục (sẽ sớm hoàn thành trong các ngày tới).
Công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao các vị trí móng cột đã đạt khoảng 91%; phần hành lang tuyến đạt khoảng 21%. Trong đó, dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu còn nhiều ngổn ngang nhất khi mới hoàn thành bàn giao 404/463 vị trí móng cột và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phần hành lang an toàn cho 194 khoảng néo. Trong 404 vị trí móng cột, chưa thể thi công được 61 vị trí, gồm 60 vị trí do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và vướng mắc thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công vào vị trí móng, 01 vị trí mới bàn giao một phần.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, song khối lượng công việc còn rất lớn, trong khi thời gian đến mốc tiến độ hoàn thành (ngày 30/6/2024) không còn nhiều, đặc biệt là dự án còn gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đường thi công; công tác bàn giao mặt bằng vị trí móng cột và hành lang tuyến chưa đạt yêu cầu đề ra.
Cụ thể, về diện tích rừng để mở đường tạm, công trình tạm phục vụ thi công còn khó khăn do vướng các quy định của pháp luật. Trong đó đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, diện tích rừng phần đường tạm là 3,49 ha, gồm có 0,53 ha rừng tự nhiên và 2,95 ha rừng trồng; Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, diện tích rừng phần đường tạm là 6,01 ha, gồm có 2,71 ha rừng tự nhiên và 3,29 ha rừng trồng. Bởi việc sử dụng diện tích rừng nêu trên để làm đường tạm thời, bãi tạm tập kết vật tư vật liệu phục vụ thi công hiện chưa có quy định/hướng dẫn.
Lãnh đạo EVN cho biết, ngày 02/02/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 996/BNN-KL báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc về việc cho phép tác động vào rừng phục vụ thi công các Dự án. “Tuy nhiên nếu chờ Nghị định 156/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (theo quy định là ít nhất 45 ngày sau khi ký ban hành) thì sẽ chậm tiến độ các dự án” - lãnh đạo EVN khẳng định.
Về diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại các Quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật do cần chuẩn xác giải pháp thiết kế dẫn tới tọa độ các vị trí móng có thể sẽ có sai khác (mặc dù diện tích cần chuyển đổi không vượt quá chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt). Đây cũng là những khó khăn trong việc thẩm định phê duyệt Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các tỉnh.
Kiến nghị để UBND các tỉnh được quyền tác động vào rừng để làm đường tạm
Để phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, EVN kiến nghị Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh quyết định chủ trương về tác động vào rừng để làm đường tạm, các công trình tạm phục vụ thi công mà không chờ sửa đổi, bổ sung nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với diện tích rừng thuộc phạm vi móng cột đã được duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu phải điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật mà không vượt tổng diện tích đã phê duyệt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND các tỉnh chấp thuận mà không phải báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị UBND các tỉnh có đường dây đi qua chỉ đạo đôn đốc các sở ngành, địa phương nhanh chóng bàn giao mặt bằng các vị trí móng cho chủ đầu tư theo đúng tiến độ đã cam kết với Thủ tướng; Hoàn thành bàn giao mặt bằng hành lang tuyến trong quý I năm 2024; xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân có nhà ở, công trình nằm trong hành lang an toàn đường dây; bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ dân phải di dời; Hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác làm đường tạm thi công và các công tác khác
Đối với các địa phương có đất rừng, sớm chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trồng thuộc thẩm quyền của tỉnh; Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên tại một số vị trí bị vướng để chủ đầu tư triển khai thi công…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: “Với tinh thần thẳng thắn và cầu thị, có thể nói rằng so với cam kết mà các bộ ngành địa phương cam kết với Thủ tướng hôm 27-28/1 vừa qua vẫn còn khá xa. Nếu chúng ta không vượt qua những khó khăn vướng mắc để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng hay nói cách khác là thực hiện cam kết của chính mình theo chỉ đạo của Chính phủ thì rất khó có thể thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra”.
Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh đến việc trong số các vị trí móng cột đã bàn giao nhưng có 99 vị trí chưa thể tiếp cận thi công do vướng mắc về thủ tục đất rừng và đường tạm thi công. Do đó, nếu không có sự vào cuộc một cách chủ động và trách nhiệm cao của các địa phương thì rõ ràng chủ đầu tư không thể một mình làm được.