New York Times lo ngại doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ khó khăn

(PLO) -Tờ New York Times dẫn lời một số người cho rằng nhiều quy định trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam có thể khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ảnh: minh họa

“Chạy cho đến khi đâm vào thứ gì đó”

Lang thang trong khu văn phòng được xây dựng theo thiết kế mở của công ty Glass Egg Digital Media, ông Phil Trần dừng lại cạnh buồng làm việc của một nhà thiết kế trò chơi và chỉ vào màn hình máy tính của anh này. Một nhân vật đang chạy nước rút trên một khung cảnh kỹ thuật số.

Phòng máy chủ của Glass Egg Digital Media

Đây là sản phẩm mới nhất do công ty của ông Trần – công ty chuyên nội địa hóa các sản phẩm trò chơi video quốc tế để phát hành trực tuyến tại Việt Nam và thiết kế đồ họa 3-D cho các trò chơi của các công ty như Sony, Microsoft và Electronic. “Anh phải chạy, chạy, chạy cho đến khi đâm vào thứ gì đó” – ông Trần hướng dẫn nhân viên.

Ông Trần thành lập công ty Glass Egg năm 1999, sau một thời gian ngắn đầu quân cho một công ty khởi nghiệp chuyên về trò chơi điện tử trên máy tính ở San Francisco. Ông Trần và các doanh nghiệp công nghệ khác ở Việt Nam đều đang đi cùng một hướng đi trong việc xây dựng doanh nghiệp của họ: tăng trưởng ở tốc độ chóng mặt và tuân thủ theo đúng các quy định, mà theo họ thường mập mờ đến phát điên mỗi khi đụng tới.

Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam rà soát lại một cách kỹ lưỡng các chính sách trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cuộc đua của các doanh nghiệp cũng trở nên rủi ro hơn.

Danh sách các quy định mà các doanh nghiệp phải tuân thủ trong quá trình hoạt động vẫn đang ngày một dài thêm, trong đó bao gồm các quy định về nội dung mà các doanh nghiệp được làm hay thậm chí cả quy định về bằng cấp mà chủ các công ty cần phải có.

Một số người hiện lo ngại rằng những khoản đầu tư và tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang bùng nổ có thể sẽ bị sức nặng của các quy định mới đè bẹp.

Điểm sáng

Các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam là một điểm sáng trong nền kinh tế nước này nếu so sánh với các ngành công nghiệp khác. Lấy ví dụ một phép tính để cho thấy sự phát triển của ngành này, doanh số bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng ở Việt Nam của các doanh nghiệp trong năm 2013 ước đạt khoảng 2,2 tỉ USD và con số này vào năm 2015 có thể là 4 tỉ USD, theo một báo cáo của Bộ Công thương.

Sự bùng nổ của công nghệ được xây dựng trên cơ sở hạ tầng internet vững mạnh, doanh số bán điện thoại di động tăng nhanh, sự bùng nổ của hoạt động bán hàng trực tuyến và một đội ngũ hùng hậu các lập trình viên và nhà thiết kế có tay nghề cao, sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn so với những người khác trong khu vực.

Sự mở rộng của ngành công nghệ ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng 1 thập kỷ trước. Intel, Samsung và Microsoft sau đó đã xây dựng các nhà máy ở nước này. Các công ty gia công phần mềm quốc tế cũng bị thu hút bởi việc được giảm thuế cùng nhiều ưu đãi khác của chính phủ.

Ông Dũng Nguyễn – Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam và Thái Lan của CyberAgent, công ty đầu tư vốn mạo hiểm có trụ sở tại Việt Nam và đã đầu tư vào 15 doanh nghiệp khởi nghiệp do người Việt làm chủ kể từ năm 2009 đến năm 2015 – cho biết, Việt Nam hiện nằm trong số những thị trường phát triển công nghệ cao hứa hẹn nhất của khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Dũng, các dịch vụ thương mại điện tử, âm nhạc trực tuyến và các trò chơi trên điện thoại thông minh là các lĩnh vực đang phát triển nóng hiện nay.

Cách tiếp cận lỗi thời?

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp internet và các tập đoàn công nghệ đa quốc gia ở Việt Nam nói rằng những quy định mới và quy định sắp được ban hành là các chỉ dấu cho thấy cách tiếp cận của giới làm luật Việt Nam trong vấn đề internet đang ngày càng lỗi thời so với sự bùng nổ các hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Mùa hè năm 2014, quy định được ban hành yêu cầu những người quản trị nội dung của các mạng xã hội và các trang tin tức phải có bằng đại học, phải có giấy phép và phải lưu trữ nội dung đã đăng tải trong ít nhất 2 năm. Một dự thảo nhằm điều chỉnh các dịch vụ thoại và văn bản cũng được công bố, theo đó yêu cầu một số nhà cung cấp phải có hợp đồng với các công ty truyền thông Việt Nam.

Một quy định cũng đã được phê chuẩn yêu cầu một số nhà cung cấp trò chơi trực tuyến phải có các hệ thống thanh toán ở Việt Nam và tuân thủ các quy định khác.

Ngoài ra, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho hay, cũng có dự thảo quy định yêu cầu các công ty công nghệ nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên quốc gia ở Việt Nam phải có đại diện ở Việt Nam. Quy định này sẽ được áp dụng đối với các công ty như Google vốn có hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa có văn phòng chính thức tại đây.

Liên minh internet châu Á – đơn vị đại diện cho Google, Apple, Facebook, Yahoo, eBay, LinkedIn và Salesforce.com về các vấn đề chính sách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương - trong một tuyên bố được đưa ra vào năm 2014 cũng đã bày tỏ quan ngại về những tác động tiềm tàng của những quy định này.

Năm 2013, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 72 mà một số bên cho rằng đã áp đặt các hạn chế chưa từng có tiền lệ đối với các phát biểu trực tuyến.

Nhưng bà Nguyễn Thị Hạnh, đại diện Bộ Công Thương về các vấn đề liên quan đến thương mại điện tử ở thành phố Hồ Chí Minh nói rằng các chính sách của chính phủ về internet được đưa ra nhằm điều chỉnh và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ. Bà này cũng nói thêm rằng Bộ của bà rất ủng hộ thương mại điện tử, đồng thời lưu ý rằng Bộ Thông tin và truyền thông có thẩm quyền đối với các trang mạng xã hội.

Nhiều giám đốc điều hành công nghệ cho rằng chính phủ cũng muốn bảo vệ lợi ích kinh tế cố hữu của các công ty nhà nước và công ty của quân đội đang thống trị lĩnh vực thông tin truyền thông của Việt Nam trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trị giá hàng tỉ USD của các công ty này đang bị sự trỗi dậy của các công nghệ internet đe dọa.

Tờ Việt Nam news hồi tháng 11/2013 đưa tin có khoảng 26 triệu người Việt Nam, tức gần 1/3 dân số của nước này đang sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh dựa trên nền tảng internet như Viber, Line và Zalo để thực hiện các cuộc gọi hay gửi tin nhắn nhằm tránh phải trả phí cao hơn cho các nhà mạng truyền thống khi muốn liên lạc với người khác.

Ông Phạm Khoa – Giám đốc các vấn đề pháp lý và doanh nghiệp của Microsoft Vietnam – cho rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các công ty công nghệ nước ngoài tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin trong nước của họ như một cách thức để bảo vệ Baidu, cỗ máy tìm kiếm phổ biến tại tư và các doanh nghiệp nội địa lớn khác. Tuy nhiên, ông Khoa cho hay ông không chắc Việt Nam có đi theo mô hình của Trung Quốc hay không vì ngành công nghiệp công nghệ nội địa của Việt Nam không mạnh bằng Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch hiệp hội internet Việt Nam – nói rằng môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp internet tại Việt Nam cho đến nay tương đối tốt. Ông này cũng khẳng định Đảng Cộng sản đã đặt việc hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ thông tin là một ưu tiên.

Dù vậy nhưng Đinh Hùng – một người từng làm việc nhiều năm với các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam và là giám đốc điều hành của công ty JoomlArt.com chuyên tạo ra các hệ thống quản lý nội dung cho các website – cho biết vẫn có một số doanh nghiệp đang xem xét việc đăng ký hoạt động cho các công ty của họ ở Singapore, nơi mà họ cho là có các quy định linh động hơn.

Quang cảnh thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ văn phòng Glass Egg Digital Media

Trở lại với ông Trần ở công ty Glass Egg, ông cho hay ông cảm giác an ninh đã được thắt chặt hơn trong vấn đề nội dung trên mạng internet. “Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải dừng cuộc chơi” – ông nói từ văn phòng ở tầng 17 của một tòa nhà cao chọc trời ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông này cũng cho rằng các quy định hiện hành có thể sẽ cản trở con đường khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ tuổi người Việt./.

Đọc thêm