Giới chức NATO xác nhận, Tổng thư ký Jens Stoltenberg sẽ có mặt tại Washington hôm 5-6, thời điểm Montenegro chính thức nộp hồ sơ gia nhập NATO lên Thượng viện Mỹ.
Trước đó (11-4), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump đã ký nghị định thư kết nạp Montenegro vào NATO. Việc này diễn ra trước thềm cuộc gặp giữa ông Donald Trump với ông Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng. Bộ Ngoại giao Nga từng coi quyết định của Mỹ - chấp thuận Montenegro gia nhập NATO, là sai lầm nghiêm trọng.
Việc gia nhập của Montenergo hoàn tất sự hiện diện của NATO dọc bờ biển Adriatic (bao gồm Hy Lạp, Albania, Croatia) và động thái này khiến Nga bất an. Bởi việc Montenergo gia nhập NATO cho thấy, hành động “Đông tiến” của NATO đe dọa an ninh của Nga và Moskva không thể khoanh tay đứng nhìn.
Hơn 1 năm trước (19-5-2016), Ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên NATO và Thủ tướng Montenegro khi đó là ông Milo Dukanovic đã ký nghị định thư kết nạp quốc gia Balkan này vào NATO. Montenegro tách khỏi Serbia trở thành quốc gia độc lập năm 2006. 10 năm sau (24-11-2016), tân Quốc hội đã bầu ông Ivan Brajovic làm Chủ tịch Quốc hội.
Hơn 1 tháng trước (28-4), ngay sau khi Quốc hội Montenegro chính thức thông qua quyết định gia nhập NATO, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố, Moskva có quyền tiến hành các biện pháp bảo vệ lợi ích, cũng như an ninh quốc gia của mình trước động thái này.
Thủ tướng Dusko Markovic khẳng định, việc Montenegro gia nhập NATO sẽ có tác động tích cực đối với sự ổn định của tình hình khu vực. Nhưng theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, việc mở rộng NATO "đã dẫn đến tình trạng căng thẳng chưa từng có ở châu Âu trong suốt 30 năm qua". Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng cho rằng, các quốc gia Balkan cần tăng cường sức mạnh kiểm soát trong khu vực.
Theo giới truyền thông, gần 2 tháng trước (13-4), một tòa án đặc biệt tại thủ đô Podgorica của Montenegro đã đưa ra bản cáo trạng buộc tội 14 đối tượng, trong đó có 2 công dân Nga, với tội danh âm mưu đảo chính, trong đó có kế hoạch ám sát cựu Thủ tướng Milo Djukanovic. Hai công dân Nga (Eduard Shishmakov và Vladimir Popov, chưa bị bắt) bị buộc tội khủng bố.
|
Quốc hội Montenegro chính thức thông qua quyết định gia nhập NATO |
Trước đó, Cảnh sát trưởng Montenegro Slavko Stojanovic thông báo, đã bắt 20 người Serbia bị tình nghi âm mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan chính quyền ở Montenegro. Nhà Trắng từng chỉ trích Nga khi tuyên bố có những nguồn đáng tin cậy cho thấy, Moskva đứng sau vụ tấn công vào ngày bầu cử Quốc hội ở Montenegro hồi tháng 10-2016.
Ngoại trưởng Montenegro Srdjan Darmanovic cũng từng tuyên bố: sự can thiệp của Nga vào quá trình bầu cử ở Montenegro là rất rõ ràng. Công tố viên đặc biệt của Montenegro là ông Milivoje Katnic đã cáo buộc Nga tìm cách ngăn cản Montenegro gia nhập NATO. Công tố viên Milivoje Katnic tuyên bố, một nhóm theo “chủ nghĩa dân tộc Nga” đã lên kế hoạch ám sát cựu Thủ tướng Milo Djukanovic, nhằm đưa đảng đối lập lên nắm quyền tại nước này.
Công tố viên Milivoje Katnic còn cáo buộc sỹ quan Nga Eduard Shishmakov là nhân vật chính đứng sau âm mưu đảo chính. Ông Eduard Shishmakov từng là tùy viên quân sự Nga ở Ba Lan trước khi bị trục xuất năm 2014 với cáo buộc hoạt động gián điệp. Theo công tố viên Milivoje Katnic, ông Eduard Shishmakov đã tới Serbia bằng hộ chiếu mang tên giả Eduard Shirokov, để điều phối âm mưu đảo chính bằng các thiết bị gián điệp tinh vi.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã phủ nhận mọi cáo buộc Moskva có liên quan tới kế hoạch ám sát cựu Thủ tướng Milo Djukanovic. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng khẳng định, Montenegro chẳng có gì để chứng minh những “cáo buộc vô căn cứ” của họ.
Công tố viên Milivoje Katnic từng đề nghị Quốc hội tước quyền miễn trừ đối với 2 thủ lĩnh của đảng Mặt trận Dân chủ đối lập là Andrija Mandic và Milan Knezevic. Bởi họ bị tình nghi có liên quan tới âm mưu thao túng cuộc bầu cử hồi tháng 10-2016 và mưu sát cựu Thủ tướng Milo Djukanovic. Cuối năm 2015, một loạt cuộc biểu tình được phe đối lập tổ chức để phản đối các chính sách của Thủ tướng Milo Djukanovic, trong đó có quyết định gia nhập NATO./.