Theo hãng tin TASS, thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexey Krivoruchko công bố ngày 26/1.
"Các nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2024 liên quan đến việc cung cấp kỹ thuật quân sự cho Lực lượng Vũ trang Nga là hoàn thành việc đưa các hệ thống ICBM Sarmat tiên tiến vào làm nhiệm vụ chiến đấu, đưa máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược Tu-160M vào Lực lượng hàng không vũ trụ”, ông Krivoruchko tuyên bố.
Cùng với đó, Nga cũng sẽ đẩy mạnh việc đưa hệ thống tên lửa đất đối không S-500 vào trực chiến và đưa tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chiến lược Knyaz Pozharsky vào phục vụ lực lượng Hải quân Nga.
Trước đó, hồi tháng 9/2023, Giám đốc Tập đoàn Roscosmos Yury Borisov cho biết, các hệ thống ICBM Sarmat tiên tiến đã nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Nga. “Hệ thống tên lửa chiến lược Sarmat đã sẵn sàng chiến đấu”, ông Borisov nhấn mạnh.
Sarmat là hệ thống tên lửa chiến lược với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu lỏng hạng nặng, với trọng lượng vượt quá 200 tấn.
Là tên lửa tối tân của Nga, tên lửa này được cho là có thể vượt qua được các hệ thống phòng không hiện đại nhất hiện nay.
Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ. Một số nguồn tin cho rằng Nga cũng trang bị cho tên lửa Sarmat 24 đầu đạn siêu thanh Yu-74.
Giới chức Nga khẳng định tên lửa có độ chính xác gần như tuyệt đối nhờ sự hỗ trợ dẫn đường từ hệ thống vệ tinh toàn cầu GLONASS, với độ sai lệch tối đa chỉ khoảng 10m.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội hồi năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là tên lửa “bất khả chiến bại”.
Một số nguồn tin khẳng định tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Sarmat của nước này có thể “xé nát” bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.
Tên lửa này được phát triển tại Trung tâm tên lửa Makeyev để thay thế hệ thống ICBM R-36M2 Voyevoda đã hoạt động trong Lực lượng tên lửa chiến lược Nga từ năm 1988.
Dựa trên ước tính của các chuyên gia, RS-28 Sarmat có khả năng mang đầu đạn MIRVed nặng tới 10 tấn tới bất kỳ địa điểm nào trên toàn thế giới ở cả Bắc và Nam Cực.