Ngăn chặn hậu quả chữa bệnh theo 'thần y' trên mạng: Cần chế tài nghiêm khắc hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trục lợi trên nỗi đau bệnh tật của người khác, ngày càng nhiều “thần y” tự xưng xuất hiện trên mạng xã hội với các phương pháp chữa bệnh kỳ lạ, chưa được kiểm định.
Trường hợp bệnh nhân nhập viện do chỉ uống nước ion kiềm pha muối, mà không ăn thêm. (Nguồn: BVCC)
Trường hợp bệnh nhân nhập viện do chỉ uống nước ion kiềm pha muối, mà không ăn thêm. (Nguồn: BVCC)

Theo “thần y”, trả giá bằng tính mạng

Thời gian qua, trên mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube xuất hiện hàng loạt “thần y” tự xưng có thể chữa bách bệnh, từ tiểu đường, dạ dày, xương khớp cho đến đột quỵ, ung thư. Không chỉ chia sẻ trên mạng xã hội những cách trị bệnh chưa được kiểm định, buôn bán thực phẩm chức năng, bài thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc,… các “thần y” còn mở phòng khám, hành nghề tại nhà dù không có bằng cấp hay chứng chỉ khám, chữa bệnh. Hệ luỵ là không ít người vì nghe theo những lời quảng cáo “có cánh”, hứa hẹn khỏi bệnh từ “thần y” mà phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Cuối tháng 9/2024, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt trầm trọng do chữa bệnh theo phương pháp kỳ lạ của một thầy lang ở Hà Nội. Nam bệnh nhân (41 tuổi, trú tại Bắc Giang) có tiền sử viêm phế quản mãn tính, do sức khoẻ yếu nên tìm đến một thầy lang và được chỉ uống nước ion kiềm pha muối, không ăn. Kết quả sau 18 ngày áp dụng liệu trình bệnh nhân đã giảm gần 10kg. Khi bắt đầu sốt cao 39,8 độ, kèm ho, đờm nhiều và mệt mỏi, bệnh nhân được đưa đến hai cơ sở y tế để điều trị, thế nhưng bệnh trạng không cải thiện.

Sau đó, nam bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng với chỉ số dinh dưỡng rất thấp. Xét nghiệm cho thấy mức protein trong máu xuống thấp. Bệnh nhân bị teo cơ và mất lớp mỡ dưới da. Ngoài ra, chỉ số men gan của bệnh nhân đã tăng gần 5 lần so với bình thường. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue, viêm phổi và suy kiệt. Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông tin, may mắn bệnh nhân được đưa đến bệnh viện kịp thời, nếu tiếp tục liệu trình kéo dài 26 ngày như đã được chỉ dẫn, khả năng tử vong rất cao.

Cũng liên quan đến phương pháp chữa bệnh bằng nước ion kiềm là trường hợp người đàn ông 47 tuổi (quê Bắc Giang), nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và không thể qua khỏi do suy kiệt. Với cách thức tương tự, người này mắc ung thư dạ dày nhưng từ chối điều trị, về nhà uống nước ion kiềm với hy vọng thải độc, thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, sau 20 ngày tự điều trị bằng cách trên, người đàn ông được đưa vào cấp cứu, tuy được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng không còn hy vọng.

Ngoài phương pháp trên, còn nhiều phương pháp chữa bệnh kỳ lạ khác đang được các “thần y”, thầy lang tự xưng trên mạng xã hội giới thiệu. Đáng nói, các phương pháp này thường không chính thống, chưa qua một quy trình đánh giá kiểm định của bất kỳ cơ quan chuyên môn nào trong hoặc ngoài nước. Thậm chí, nhiều phương pháp chữa bệnh mang tính chất tâm linh, mê tín dị đoan, không có cơ sở khoa học.

Hình phạt cần đủ sức răn đe

Liên quan đến vụ việc suy kiệt vì nhịn ăn, uống nước ion kiềm pha muối nói trên, thông tin từ gia đình cho biết cơ sở khám, chữa bệnh nam bệnh nhân theo điều trị là nhà của ông N.T.N ở một huyện trên địa bàn Hà Nội - người tự xưng là thầy thuốc có thể chữa bách bệnh, thậm chí là cả bệnh ung thư giai đoạn cuối. Tại đây, trong quá trình điều trị nam bệnh nhân ở cùng 40 - 50 người khác và tất cả đều áp dụng cùng một phương pháp. Trước thông tin này, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu địa phương có biện pháp xử lý với cơ sở khám, chữa bệnh trên.

Đáng nói, vào tháng 4/2024, cơ sở khám, chữa bệnh của ông N.T.N từng bị đoàn kiểm tra liên ngành của địa phương tiến hành kiểm tra và xác định ông N.T.N không có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ, không được cơ quan quản lý cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Hành vi này của ông N.T.N đã vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, ông N.T.N còn vi phạm về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Trước hai hành vi vi phạm, chính quyền địa phương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông N.T.N số tiền 80 triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời gian 18 tháng; buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo.

Thế nhưng, có thể thấy dù đã bị xử phạt hành chính và các hình thức phạt bổ sung, song cơ sở khám, chữa bệnh của ông N.T.N vẫn tiếp tục hoạt động và điều trị cho bệnh nhân. Đáng buồn, tình trạng xử phạt xong “đâu lại vào đó” không chỉ tồn tại ở cơ sở khám, chữa bệnh của ông N.T.N mà còn ở nhiều cơ sở khác, có những trường hợp sau khi bị dừng hoạt động, các “thần y” liền di chuyển sang địa phương khác để tiếp tục hành nghề. Hơn nữa, sự tràn lan của các “thần y” trên mạng xã hội càng khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý.

Pháp luật Việt Nam có quy định chặt chẽ về Luật Khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chế tài xử lý đối với vấn đề này chưa thực sự đủ mạnh. Hiện nay, với hành vi khám, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, cơ sở không có giấy phép hoạt động chủ yếu vẫn chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền. Đây chính là lý do dẫn tới tình trạng “đâu lại vào đó”. Muốn giải quyết triệt để tình trạng này, có lẽ không chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, cần cả xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý kết hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân. Đồng thời, trên các trang mạng xã hội, cơ quan chức năng cần khẩn trương truy vết, rà soát tìm ngay ra những địa chỉ quảng cáo chữa bệnh, bán thuốc một cách vô lối để ngăn chặn, tháo gỡ, giúp người dân được tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy.

Đọc thêm