Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trung bình mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức nghiêm trọng, cần được hỗ trợ, can thiệp. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi cho biết từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà. 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường. Theo khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới với học sinh tại hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi. Báo cáo về can thiệp, hỗ trợ theo đường dây nóng phản ánh về bạo lực trẻ em, cứ 10 ca bạo lực, 6 ca là bạo lực thân thể. Trong đó, 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.
Giám sát giáo viên hay quan tâm đến giáo viên?
Qua các con số trên có thể thấy bạo lực đối với trẻ em trong môi trường học đường ở Việt Nam đã ở mức báo động khiến cho nhiều người có cái nhìn tiêu cực rằng hiện nay ở nhiều trường hợp lương tâm, trách nhiệm của giáo viên không bằng... “lương tháng”. Trả lời báo chí, TS. Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định: “Có lẽ, bạo hành học sinh đã trở thành “phong cách giáo dục” của bộ phận giáo viên mầm non suốt nhiều năm liền, khi họ thấy đồng nghiệp đánh trẻ mà không bị trừng trị, răn đe nên làm theo”.
Còn theo Luật sư Lại Văn Doãn, Đoàn Luật sư Hà Nội nguyên nhân thực sự nằm ở yếu kém của cơ quan chức năng khi để những người không có nghiệp vụ sư phạm làm bảo mẫu, giáo viên. Nhận thức pháp luật kém cũng gián tiếp gây ra những vụ việc đau lòng. Để hạn chế những chuyện thương tâm, ông Doãn đề xuất thắt chặt quản lý các cơ sở hành nghề trông giữ trẻ bằng cách tăng cường thanh, kiểm tra hậu cấp phép đối với các cơ sở mầm non. Cần thêm điều kiện cấp phép là phải có hệ thống camera giám sát, kết nối các phương tiện cá nhân của phụ huynh khi được yêu cầu.
Nhân nói đến việc phải có hệ thống camera giám sát trong trường học, mới đây tại buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non, vì đâu nên nỗi?” vừa mới tổ chức tại TP HCM, nhiều chuyên gia xã hội và giáo dục nêu quan điểm rằng lắp camera giám sát chỉ giải quyết phần ngọn. Một giáo viên tham gia tọa đàm cho rằng, vấn đề gốc rễ của bạo hành trẻ không phụ thuộc vào nơi đó là trường công lập hay tư thục, có camera hay không mà nằm ở chính bản thân người giáo viên như thiếu kỹ năng sư phạm, suy thoái đạo đức, tâm lý ức chế dồn nén lâu ngày…Theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn phân tích, ở hoàn cảnh làm việc bình thường, hầu hết giáo viên mầm non đều yêu trẻ. Tuy nhiên, khi rơi vào trạng thái quá áp lực, căng thẳng mà không biết cách giải tỏa, quản lý cảm xúc sẽ dẫn đến một số hành động bộc phát trong vô thức như hành hạ người khác. Vì thế, việc lắp camera là cần thiết, nhưng đây chỉ là giải quyết phần ngọn, còn muốn ngăn chặn nạn bạo hành thì phải làm tận gốc. Đó là quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần giáo viên; tăng chế tài xử lý các giáo viên có hành vi bạo hành trẻ. Song song đó, cơ quan chức năng cần rốt ráo kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề trông trẻ tư thục, loại bỏ các giáo viên không đủ điều kiện. Đặc biệt, công tác đào tạo giáo viên cần phải khắt khe và chuẩn mực hơn.
Giáo viên là nghề cao quý, không phải “chuột chạy cùng sào”
Người Việt khi định hướng nghề nghiệp cho con cái thường có câu: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” hay “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Với tư duy này, nghề sư phạm là nghề không hấp dẫn và chỉ dành cho những người ít có cơ hội trúng tuyển các trường tốp trên. Trong khi đó, ở nhiều nước nghề sư phạm và nghề y là hai nghề cao quý, chỉ những học sinh phổ thông kết quả học tập giỏi mới được đăng ký học. Vấn đề này cũng đã được buổi tọa đàm “Bạo hành trẻ mầm non, vì đâu nên nỗi?” đề cập đến khi Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho biết, ở các nước phát triển, việc đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên mầm non quan trọng như đào tạo bác sĩ. Giáo viên tương lai phải làm bài kiểm tra trắc nghiệm và xử lý tình huống, để được đánh giá mức độ yêu thương trẻ. Tại tọa đàm nhiều ý kiến đề nghị các trường sư phạm cần tái cấu trúc lại chương trình đào tạo, phải làm sao để có sự sàng lọc, tránh lãng phí thời gian cho sinh viên không phù hợp với ngành nghề.
Một nguyên nhân nữa của tình trạng chất lượng giáo viên đó là do thu nhập thấp trong điều kiện làm việc nhiều áp lực nên nhiều người bỏ nghề. Báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM cho thấy, năm học 2016-2017, TP HCM cần 2.383 giáo viên mầm non nhưng chỉ tuyển được 1.760. Trong năm học 2015-2016, TP HCM có gần 200 giáo viên nghỉ việc. Với bậc mầm non, việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nuôi dạy trẻ.
Trong khi chưa giải quyết được bài toán thiếu và chất lượng giáo viên kém, nhiều chuyên gia đề nghị cán bộ quản lý các trường mầm non cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sức khỏe tinh thần, tâm lý của giáo viên bằng cách thông qua các sinh hoạt mang tính “giảm nhiệt” sẽ giúp giáo viên cân bằng lại cảm xúc, hành vi của mình. TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao - Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn cho biết cách đây 3 năm, khi một số vụ bạo hành trẻ bị phanh phui, Khoa đã bổ sung, lồng ghép các kiến thức liên quan đến bạo hành trẻ vào các môn học như “nghề giáo viên mầm non”, “giao tiếp sư phạm mầm non”. Thông qua các tiết học, sinh viên nhận thức được hậu quả bạo hành đối với trẻ, từ đó mới có thái độ lên án bạo hành và kiểm soát hành vi bản thân.