Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hải Lăng là “đòn bẩy” tiếp sức xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Qua 12 năm xây dựng nông thôn mới, với sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), 15/15 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nguồn vốn này thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần thay đổi diện mạo, bộ mặt, sức sống mới trên những làng quê.
Cán bộ NHCSXH huyện Hải Lăng luôn quan tâm nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn cho vay
Cán bộ NHCSXH huyện Hải Lăng luôn quan tâm nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn cho vay

Theo ông Lê Quang Lực (Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hải Lăng), nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, mà còn tiếp sức cho các địa phương trên địa bàn huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, tại Hải Lăng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã ngày càng được đầu tư hoàn thiện, điện thắp sáng khắp các làng quê, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng nâng cao, hệ thống chính trị ngày một vững mạnh, quốc phòng và an ninh được giữ vững. Nhiều mô hình liên doanh, liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao, bền vững như gạo sạch Hải Lăng, gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền quản lý bền vững; các sản phẩm OCOP đã thực sự có chỗ đứng, tạo nên thương hiệu trên thị trường như: gạo Hải Lăng, bánh tét Đại An Khê, muối lạc rong biển, cam K4.

Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH mà người dân dễ dàng phát triển thương hiệu “Ném củ vùng cát Hải Lăng”

Nhờ nguồn vốn từ NHCSXH mà người dân dễ dàng phát triển thương hiệu “Ném củ vùng cát Hải Lăng”

Trước đây, gia đình anh Lê Thành Dinh (ngụ thôn Trung Trường, xã Hải Trường) chỉ buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định, bấp bênh. Cách đây 2 năm, nhờ biết đến chương trình hộ nghèo của NHCSXH, anh Dinh mạnh dạn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn và được duyệt vay 100 triệu đồng. Từ số vốn trên, gia đình anh đầu tư mua sắm máy may. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, cơ sở may của anh ngày một đông khách, hiện tạo việc làm cho 13 lao động với thu nhập ổn định.

Bà Trương Thị Nguyệt (Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn hội phụ nữ thôn Trung Trường, xã Hải Trường) chia sẻ, hiện tại tổ tiết kiệm và vay vốn do bà quản lý có dư nợ 3,7 tỷ đồng với 55 thành viên đang vay vốn. Trong đó, tập trung chủ yếu là chương trình cho vay cho vay hộ nghèo, cận nghèo giải quyết việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Ngân hàng Chính sách Xã hội là “đòn bẩy” để xã Hải Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ngân hàng Chính sách Xã hội là “đòn bẩy” để xã Hải Hưng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

“Những năm qua, NHCSXH triển khai nhiều chương trình tín dụng nên đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã góp phần duy trì và tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Dân chúng tôi biết ơn Đảng, biết ơn Ngân hàng chính sách vô cùng”. Bà Nguyệt nói.

Cùng với Hải Trường, những năm qua tại các địa phương khác trên địa bàn huyện, người dân cũng đã được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: giảm nghèo, tăng thu nhập, tạo việc làm, nước sạch, nhà ở xã hội… Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hải Lăng khai thác tiềm năng du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Hải Lăng khai thác tiềm năng du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Ông Lê Quang Lực (Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hải Lăng) cho biết, để nguồn vốn tín dụng ưu đãi thật sự trở thành “đòn bẩy” giúp sức cho các xã thực hiện các tiêu chí trong nông thôn mới, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm…

Nguồn vốn tín dụng chính sách một phần giúp cho các địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng xây dựng nông thôn mới

Nguồn vốn tín dụng chính sách một phần giúp cho các địa phương trên địa bàn huyện Hải Lăng xây dựng nông thôn mới

Ngoài ra, đơn vị luôn ưu tiên nguồn vốn vay đối với các xã được tỉnh lựa chọn là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới để người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, NHCSXH huyện Hải Lăng tiếp tục tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó, đơn vị luôn chú trọng công tác đào tạo tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ tín dụng ngân hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn.

Tính đến đầu tháng 10/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai tại NHCSXH huyện đạt trên 633.052 triệu đồng, với gần 10.984 khách hàng đang vay. Trong đó, dư nợ tập trung vào các chương trình lớn như: cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay phát triển và quản lý nhà ở xã hội... Nguồn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng đúng mục đích góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh...

Đọc thêm