Ngân hàng cũng rất cần sự chia sẻ, đồng hành của doanh nghiệp!

(PLVN) -Trước những kiến nghị của doanh nghiệp về gói hỗ trợ tín dụng, nhiều ngân hàng cũng bày tỏ mong muốn có sự đồng hành, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp...

Hơn 1 triệu tỷ đồng đã được hạ lãi suất

Báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN), Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tính đến 8/5/2020 các ngân hàng (NH) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ  khoảng 130 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630 nghìn tỷ đồng cho khoảng 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng. 

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho rằng, quy mô của gói tín dụng này hiện đã lên tới khoảng 650.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với mức đăng ký ban đầu với lãi suất cho vay thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi dịch xảy ra khoảng từ 1-2%. Thậm chí có một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã hạ lãi suất cho vay từ 2,5% lên tới 4%/năm so với trước khi có dịch.

Nếu tính trung bình trong gần 1 triệu tỷ đồng đã được các NH hạ lãi suất 1% thì lợi nhuận của các NH trong năm nay giảm ít nhất 100 nghìn tỷ đồng, và các DN là đối tượng được hưởng số tiền này để khôi phục sản xuất kinh doanh…

Ngân hàng cũng khó!

“NH chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN, họ phải hỗ trợ đúng đối tượng. Nếu không, sau này, NH sẽ bị quy trách nhiệm khi thanh, kiểm tra. Chưa kể, NH huy động tiền gửi của người dân, nên cho vay cũng phải thận trọng để bảo toàn vốn. Việc đẩy nhanh tiếp cận chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các NH đang triển khai đòi hỏi thiện chí của cả người dân và DN phía DN cũng phải có thiện chí hợp tác với NH, chứng minh thiệt hại của mình để NH có căn cứ hỗ trợ. Các nước trên thế giới đều như vậy, không riêng Việt Nam. Chưa kể, gói hỗ trợ này là tiền túi của NH, chứ không phải là tiền ngân sách…” 

(TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia NH)

“Gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng là do các NH thương mại sử dụng nguồn thu nhập của mình để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với DN. Do vậy, khi NH xem xét khoản cho vay này, họ sẽ tuân thủ theo quy định, quy chế của mình trong thực hiện các khoản vay này. Bên cạnh chia sẻ với DN, NH cũng phải tính đến rủi ro cho vay, phải tính đến khả năng hoàn vốn…”

(PGS-TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển)

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, các NH đang phải vừa thực hiện mục tiêu kép vừa giữ hoạt động ổn định, vừa hỗ trợ tối đa cho DN, người dân và nền kinh tế. “Việc giảm lãi suất, mỗi NH có năng lực tài chính khác nhau. Vietcombank đã chấp nhận giảm 2.240 tỷ đồng lợi nhuận để chia sẻ với các DN. Chúng tôi giảm đồng loạt trên hệ thống từ nay đến 30/9” - ông Thành thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo NH này cũng bày tỏ lo lắng bởi NH đi huy động vốn rồi cho vay lại, trong khi vẫn phải nỗ lực cắt giảm chi phí, giữ hoạt động an toàn. “Điều này lý giải vì sao có một số DN phương án kinh doanh chưa đảm bảo, không có vốn tự có... chưa tiếp cận được vốn….” - ông Thành lý giải và khẳng định, NH sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận, tăng số hóa để phục vụ nhanh hơn, chứ không thể giảm chuẩn tín dụng, vì trong môi trường này sẽ để lại rất nhiều rủi ro…

Còn Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho rằng nếu mang tâm lý chờ đợi hướng dẫn thì các DN sẽ phải đóng cửa, phá sản, NH cũng khó mà sống được. Do đó, VietinBank giảm lãi suất trước, hỗ trợ thanh khoản, tập trung vào các DN chịu tác động trực tiếp của Covid-19. “Nói hỗ trợ thì dễ bị hiểu lầm là cho đi. Bản chất ở đây là chia sẻ, khách hàng là bạn, đối tác của NH. Hai bên cùng nương tựa vào nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch”- ông Thọ nói.

Lãnh đạo Vietinbank cũng cho rằng, việc hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ để lại hệ quả nợ xấu. Tuy nhiên, NH bằng nhiều giải pháp đang nỗ lực cho khách hàng đủ điều kiện, có phương án tốt giải ngân vốn một cách nhanh nhất. “Đối với các lĩnh vực thiết yếu, chúng tôi chỉ đạo rất nghiêm túc giảm ngay lãi suất 2 - 2,5%/năm so với mức thông thường. Các trường hợp còn lại tùy mức độ ảnh hưởng bởi dịch, giảm từ 0,5 - 1,5%/năm”- ông Thọ thông tin.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho biết, để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi NH phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1-2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200-300 triệu đồng. “Chúng tôi rất thiện chí, hầu hết hồ sơ vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đều được cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, giảm lãi tối đa cho khách hàng. Trung bình mỗi ngày, Ủy ban cơ cấu nợ của NH giải quyết đến 400-500 hồ sơ mà vẫn không xuể. Chúng tôi đang tính tới việc chuyển sang phê duyệt hồ sơ cơ cấu nợ tự động để người ra quyết định cơ cấu nợ có thể phê duyệt cùng lúc cho hàng trăm trường hợp”- ông Tùng cho biết.

“NH là DN, cần bảo đảm kinh doanh chất lượng, hiệu quả, an toàn. Việc hỗ trợ giảm lãi suất và phí dịch vụ của các NH bản chất là chia sẻ của NH từ nguồn vốn tự huy động, cắt giảm chi phí và giảm lợi nhuận của NH. Do đó có những giới hạn nhất định và rất cần sự đồng hành, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ, sự nỗ lực của cộng đồng DN, các đối tác để cùng khắc phục khó khăn, phát triển hiệu quả, bền vững...” - Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ bày tỏ…

Sẽ thành lập đoàn công tác tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng

 Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống NH có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành NH không được phép nới lỏng các điều kiện tín dụng, tháo gỡ các thủ tục, quy định nội bộ của NH, những tiêu chuẩn, điều kiện vì yêu cầu tiên quyết là để đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo an toàn cho hoạt động NH.

“Có rất nhiều DN không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng rất khó khăn, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được xử lý. NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn toàn quốc để trực tiếp xử lý và tháo gỡ những kiến nghị. Nhưng những DN với phương án phải đảm bảo khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được các TCTD xem xét” - Thống đốc khẳng định.

Người đứng đầu ngành NH cũng cho biết, ngay sau Hội nghị Thủ tướng với DN, NHNN sẽ lập Đoàn công tác làm việc tại các địa phương nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp của ngành NH để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, đồng thời phối hợp các Hiệp hội.

Đọc thêm