Ngân hàng ’làm giá’

Đằng sau biểu lãi suất  “cứng” 12%/năm được trưng phía bên ngoài các phòng giao dịch là “mê hồn trận” bí quyết kéo vốn của các ngân hàng…

Đằng sau biểu lãi suất  “cứng” 12%/năm được trưng phía bên ngoài các phòng giao dịch là “mê hồn trận” bí quyết  kéo vốn của các ngân hàng…

13% và hơn nữa

Mặc dù phía ngoài phòng giao dịch (PGD) của VPBank trên đường Xã Đàn (Hà Nội), mức lãi suất cao nhất được niêm yết 12%/năm, thế nhưng khi được hỏi, nhân viên giao dịch cho biết LS thực là 13%/năm. Nếu để ý, ngay trên quầy giao dịch là bảng thông báo photocopy khổ A4 với nội dung VPBank cộng lãi suất thưởng 1%/năm cho tất cả các kỳ hạn gửi mới/ tái gửi từ 1 tháng trở lên. Không những thế, khách hàng gửi tiền tại ngân hàng (NH) này còn được tặng quà, nhận mã số dự thưởng chương trình “Lướt SH, đi Mercedes cùng VPBank” với tổng giá trị quà tặng và giải thưởng lên tới 14 tỷ đồng.

VPBank không phải là NH cá biệt “treo dầu dê, bán thịt chó”. Lượn qua các PGD của các NH, ngoài các chương trình tặng quà, khuyến mại tưng bừng, LS huy động đang phổ biến 13%/năm. Thậm chí,  đối với những món tiền gửi lớn, các NH sẵn sàng đàm phán và chấp nhận lãi suất cao lên đến 14 - 15%.

Chiều 11/11, Thống đốc NHNN đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các thành viên thị trường mở để can thiệp thị trường. Liền sau đó lãi suất  trên thị trường liên NH đã hạ nhiệt. Mức lãi suất  liên NH thấp nhất còn khoảng 15%/năm, cao nhất 19%/năm.
Trên cơ sở báo cáo của các NH, NHNN đưa ra một số giải pháp: Tăng lượng vốn bơm ra trên thị trường mở, tăng thêm kỳ hạn 2 tuần (14 ngày) bên cạnh các kỳ hạn đang duy trì hiện nay; Yêu cầu các NH lớn cấp lại hạn mức cho vay cho các NH nhỏ; NHNN tiếp tục tái cấp vốn và hoán đổi lãi suất  đáp ứng yêu cầu thanh khoản; NHNN cũng yêu cầu các NH chủ động kiềm chế cho vay trên cơ sở cân đối với số vốn huy động được; NHNN cũng sẽ chi đảm bảo thanh khoản cho thị trường.
Theo một số chuyên gia tài chính tiền tệ, giải pháp này ít nhiều có tác đông đến mặc bằng lãi suất, tuy nhiên không có tác động làm giảm lãi suất  mà chỉ là có tăng lên nữa hay không. Như NHNN đã kết luận những ngày qua lãi suất tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý, cho nên vấn đề bây giờ là phải thống nhất giữa chỉ đạo và thực thi để ổn định tâm lý…

SeaBank trong lần điều chỉnh lãi suất huy động VND áp dụng hôm 11/11, đã chính thức có mốc lãi suất 13%/năm trên bảng niêm yết, áp cho hai kỳ hạn 12 và 13 tháng. Sau SeaBank, công khai biểu lãi suất vượt “trần” là WesternBank.

Toàn bộ các kỳ hạn huy động VND từ 2 tháng trở lên của WesternBank đều có lãi suất từ 12,5%/năm trở lên. Trong đó, các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng của NH này có lãi suất tới 12,8%/năm.

Tuy nhiên, đây  là biểu lãi suât công bố công khai, chắc hẳn các ngân hàng này thừa bí quyết để hút vốn trong khi các mức huy động thực tế của nhiều NH khác đã trên 13%/năm…

"Làm giá?"

Theo cam kết đồng thuận cũ, từ 1/11/2010, các NH hạ lãi suất xuống còn 11%/năm. Trong khi có NH chưa kip hạ lãi suất thì 1 tuần sau, hôm 8/11, các NH lại ngồi lại với nhau để đồng thuận mức lãi suất 12%/năm.

Chỉ trong vòng có mấy ngày, các NH liên tục điều chính lãi suất. Trong ngày đầu tiên thực hiện đồng thuận lãi suất, ACB phải điều chỉnh biểu lãi suất chỉ sau khoảng 5 tiếng áp dụng, BaoVietBank “qua một đêm”, lãi suất huy động cao nhất 12,5%/năm cũng đã được rút về 12%/năm.

Sau khi tiến hành đưa lãi suất huy động VND lên quanh mức 12%/năm, nhiều NHTM lại tiếp tục có thêm các điều chỉnh mới đối với biểu lãi suất của mình. Thậm chí nhiều NH không buồn cập nhật biểu lãi suất mới trên website của mình, có NH vẫn treo biểu lãi suất 11%/năm (!?).

Dù không công bố chính thức song diễn biến này cho thấy, lãi suất cho vay VND chắc chắn sẽ được các NH điều chỉnh mạnh trong thời gian tới. Lãi suất cho vay theo tính toán của một số cán bộ tín dụng có khả năng sẽ bị đẩy lên tới 21%/năm. 

“Người thì bảo thả, người thì bảo giữ, chẳng khác nào “đười ươi giữ ống”. Tình cảnh này buộc người tử tế phải phạm luật…”- một cán bộ phụ trách pháp chế của một NH than thở. Theo vị cán bộ này, mấy năm nay, toàn nói khác, làm khác, mập mờ như chợ đen, cả NHNN lẫn NH thương mại mất uy tín với xã hội. “NH mà lại làm giá như hàng tôm hàng cá, còn đâu là hình ảnh NH làm ăn bài bản, tuân thủ pháp luật. Chết là chết ở chỗ đó!”- ông này phát biểu.

Hiểu My 

Đọc thêm