Ngân hàng “mở cửa” cho vay không cần tài sản bảo đảm

(PLO) - Không chỉ mạnh dạn “nới” trần hạn mức vay vốn so với giá trị tài sản bảo đảm (TSBĐ), các ngân hàng (NH) còn đang tính toán thực thi chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “mở cửa” đối với các khoản vay không có TSBĐ – vốn là một “điểm nghẽn” khiến lượng vốn lớn hiện không thể lưu thông trong nền kinh tế. 
Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tăng cường cho vay không cần tài sản bảo đảm. Ảnh minh họa
Thời gian tới, các ngân hàng sẽ tăng cường cho vay không cần tài sản bảo đảm. Ảnh minh họa
Sẽ không còn là “trở ngại”
Đối với các DN có phương án kinh doanh khả thi, lãi suất NH hiện không còn là trở ngại khi lãi suất cho vay hiện chỉ cao hơn lãi suất huy động khoảng 2%/năm. Tuy nhiên, đối với không ít DN, việc vay được vốn vẫn không dễ dàng vì “vướng” tài sản đảm bảo. 
Tại hội nghị gặp mặt DN nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai chương trình kết nối NH – DN diễn ra mới đây, ông Phạm Việt Hải, đại diện Cty Điện hóa Hà Sơn chia sẻ: “DN có đất do Nhà nước giao sử dụng 50 năm. Nhưng khi đi vay vốn, NH cho rằng đó không phải đất của DN. Giá trị của tài sản thế chấp giảm xuống, theo đó hạn mức tín dụng của DN cũng sẽ ít đi”. 
Có một thực tế là, dù các NH hiện khá dồi dào về nguồn vốn, sẵn sàng cho vay nếu DN đủ điều kiện, nhưng DN lại gặp khó khăn ở chỗ TSBĐ như nhà xưởng, máy móc đã được sử dụng thế chấp trong các hợp đồng tín dụng trước đó, nên không thể đáp ứng được điều kiện về tài sản thế chấp để được duyệt vay các khoản mới.
Vì thế, không chỉ DN mà cả các “nhà băng” cũng sốt ruột tìm kiếm giải pháp “khơi thông” dòng vốn. Vừa qua, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã triển khai cho khách hàng là DN vừa và nhỏ sử dụng bất động sản để làm TSBĐ cho các khoản vay mua sắm tài sản cố định, cho vay tái tài trợ hoặc cho vay bổ sung vốn kinh doanh. Điểm đặc biệt là tỷ lệ cấp tín dụng trên mỗi TSBĐ lên tới 90% giá trị tài sản đó. Thời hạn cấp tín dụng tối đa lên tới 25 năm và hạn mức cho mỗi khách hàng lên tới 20 tỷ đồng. Theo NH này, triển khai chưa lâu nhưng chương trình đã cấp tổng hạn mức tín dụng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng cho gần 300 khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước “hối” cho vay không có tài sản đảm bảo 
6 tháng đầu năm 2014, tín dụng tăng trưởng 3,52%, bằng một phần tư mục tiêu 12-14% của cả năm. Trong khi nguồn vốn huy động của các NH vẫn không ngừng tăng trưởng thì đầu ra lại gặp nhiều vấn đề phần nào cho thấy những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của các DN. 
Trong một công văn mới phát đi, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài triển khai Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 của Thủ tướng về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, NHNN đề nghị các “nhà băng” phải chủ động tiếp cận với các khách hàng có nhu cầu vay vốn để tư vấn, hỗ trợ về việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay NH. Phải ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn có hiệu quả và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và quy định của pháp luật.
Việc cho vay không có tài sản đảm bảo cũng sẽ được “mở” ra khi NHNN yêu cầu TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN…); kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cơ cấu lại các khoản vay vốn có lãi suất cao trước đây, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài theo quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với phạm vi hoạt động, tình hình thực tế để áp dụng có hiệu quả vào việc phân loại nợ, đánh giá chất lượng tín dụng khách hàng làm cơ sở để xem xét cho vay khách hàng./.

Đọc thêm